Trung Quốc đề xuất đàm phán về soạn thảo COC:

Lời nói phải đi đôi với việc làm

Thứ Bảy, 04/05/2013, 13:30
Viễn cảnh mới để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông đã được gợi mở sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bất ngờ đề xuất mở cuộc đàm phán “Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông trên cấp độ vụ trong tương lai gần” hôm 2/5. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích nhận định, những lời nói hoa mỹ cần phải được kiểm chứng bằng hành động cụ thể, tích cực, với tinh thần cầu thị.

Có như vậy, mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông mới được giải quyết và tình trạng đối đầu trên biển giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc mới không còn.

Tin từ hãng Kyodo cho hay, trong cuộc gặp với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa tại thủ đô Jakarta, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất mở các cuộc đàm phán với ASEAN nhằm soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Quan điểm của ông Vương Nghị là cần thành lập một nhóm chuyên gia bổ sung cho các cuộc đàm phán cấp chính phủ về COC và trong tương lai gần, các cuộc đàm phán COC cấp vụ sẽ được tổ chức.

Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh luôn sẵn sàng thảo luận COC và mong muốn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ thông qua đồng thuận với các bên liên quan.

Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất mở các cuộc đàm phán COC.     

Ông Vương Nghị nói: “Thực tế, chúng tôi đã nhất trí với ASEAN rằng hai bên sẽ xây dựng COC trên cơ sở đồng thuận". Cùng ngày, trong cuộc gặp với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định, các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với ASEAN và ủng hộ một cách mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác Đông Á. Ông Vương Nghị còn nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như quá trình hội nhập của ASEAN và chia sẻ quan điểm về Biển Đông rằng, việc đảm bảo đầy đủ và thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là rất quan trọng để tiến tới ký kết COC.

Có thể thấy, những phát biểu khá mạnh mẽ của tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề Biển Đông trong chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên này đã thu hút được đông đảo báo giới và tạo điểm nhấn trong chuyến thăm. Nhưng có thể thấy những lời nói của ông Vương Nghị chẳng khác gì mấy so với những gì mà Trung Quốc cam kết trước đó. Phương châm của Bắc Kinh là luôn nói những lời tốt đẹp về hợp tác giải quyết vấn đề Biển Đông nhưng đằng sau đó là một loạt động thái, hành động ngấm ngầm chống phá. Chỉ có điểm khác là lần này, sau sự thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 tại Brunei và việc các nước ASEAN ra Tuyên bố chung về Biển Đông, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật.

Trong 4 quốc gia ASEAN mà ông Vương Nghị đến thăm lần này, chỉ có Brunei, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch ASEAN là có tham gia tranh chấp trên Biển Đông, 3 quốc gia còn lại gồm Indonesia, Thái Lan và Singapore đều không có can hệ gì. Tờ The Nation của Thái Lan khẳng định rằng, Bắc Kinh đang điều chỉnh mối quan hệ với từng thành viên của ASEAN, sắp xếp phân loại từng nước ASEAN, tập trung vào các thành viên ít thù địch hơn để có những bước đi tiếp theo trong vấn đề Biển Đông.

Thực tế, bên cạnh những lời nói hoa mỹ, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chiến lược độc chiếm Biển Đông của mình. Học giả Đài Loan cho rằng, vì Biển Đông có giá trị chiến lược trọng yếu về địa chính trị và kinh tế, một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới hiện nay nên thực hiện tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc đã và đang xiết chặt 2 gọng kìm chiến lược.

Gọng kìm thứ nhất, Bắc Kinh dùng chính trị - ngoại giao cố tìm cách phân hóa nội khối ASEAN và lái sự chú ý của ASEAN trong vấn đề Biển Đông sang chuyện khác - thúc đẩy quan hệ "đối tác chiến lược", kinh tế thương mại song phương. Gọng kìm còn lại để phối hợp với đòn chính trị - ngoại giao trong chuyến đi của Vương Nghị chính là hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự, leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông với hàng loạt động thái kể từ sau khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp hồi tháng 6 năm ngoái.

Giới bình luận cho rằng, mục đích của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị trong chuyến thăm 4 nước ASEAN chính là phân hóa ASEAN và gia tăng áp lực, buộc Philippines phải rút đơn kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển

Huyền Chi
.
.
.