Liên hợp quốc thảo luận về nghị quyết buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học

Thứ Sáu, 27/09/2013, 08:44
Ngày 27/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) sẽ chính thức thảo luận về dự thảo nghị quyết buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học và đề xuất về một hội nghị hòa bình Syria. Với sự đồng lòng của Hội đồng Bảo an LHQ và những dấu hiệu lục đục, tranh giành quyền lực trong lực lượng đối lập Syria, nhiều khả năng, cuộc khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này sẽ dần được tháo gỡ.

Trước khi bản dự thảo nghị quyết nói trên được trình lên Đại hội đồng LHQ, 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh và Trung Quốc đã có các cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ). Sau cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 25/9, những nước này cũng đạt được sự nhất trí về trọng tâm trong bản dự thảo nghị quyết nhằm buộc Syria từ bỏ vũ khí hóa học.

Theo nguồn tin ngoại giao từ LHQ, nội dung dự thảo nghị quyết để ngỏ khả năng cân nhắc các biện pháp trừng phạt Syria theo Chương VII trong Hiến chương LHQ nếu chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga và Mỹ. Hiện Nga vẫn đang nỗ lực đàm phán với Mỹ về vấn đề này và cho biết, các nước cần tiếp tục thảo luận để tìm tiếng nói chung nhiều nội dung quan trọng của dự thảo nghị quyết liên quan tới Syria.

Đáp lại thái độ của Nga, một số nhà ngoại giao phương Tây đã nhấn mạnh rằng, về vấn đề Syria, họ quan tâm nhất là tiến trình giải giáp vũ khí hóa học. Và để tiến trình này thực hiện một cách nghiêm túc, trung thực, đúng thời hạn, các nhà ngoại giao này đề xuất là nên có những quy định cụ thể và 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ phải thông qua các quy định này trước khi trình lên Đại hội đồng LHQ.

Đáng chú ý là trong khi phái đoàn ngoại giao các nước đang hướng sự quan tâm tới vấn đề Syria tại kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ thì tại Nga và Trung Quốc, Quốc hội hai nước này đã ra tuyên bố chung về cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó nêu rõ đàm phán là giải pháp khả thi nhất cho vấn đề này. Tuyên bố chung này được các ủy ban đối ngoại của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc và Hội đồng Liên bang Nga ký kết.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề Syria bên lề Đại hội đồng LHQ.

Tuyên bố cũng nêu rõ, Nga và Trung Quốc thực sự quan ngại về tình hình tại Syria khi tình trạng hỗn loạn, thương vong ở dân thường; làn sóng di cư; thực trạng bị tàn phá của các di sản văn hóa và các sự vụ bi thảm khác đã khiến cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này trở thành một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất thế giới… Nói về việc đe dọa sử dụng vũ lực hay can thiệp quân sự từ bên ngoài, tuyên bố chung khẳng định, đây là điều không thể chấp nhận được…

Theo các nhà phân tích, những bước đi gần đây của Nga và Trung Quốc trong vấn đề Syria có vẻ như đã đúng hướng và đang góp phần tháo gỡ dần dần cuộc khủng hoảng mang tên “vũ khí hóa học” của nước này. Chưa hết, tuyên bố chung Nga – Trung Quốc cùng những biện pháp ngoại giao trong suốt thời gian qua phần nào giúp cho thế giới hiểu hơn về vấn đề Syria, tránh cái nhìn phiến diện theo những cáo buộc vô căn cứ từ bên ngoài…

Hiện phái đoàn thanh sát viên của LHQ do chuyên gia Thụy Điển Ake Sellstrom đã trở lại Damascus để hoàn thành nốt những công việc còn dang dở trong quá trình điều tra và thanh sát kho vũ khí hóa học của Syria. Dự kiến vào cuối tháng 10 tới, nhóm thanh sát viên này sẽ trình lên LHQ một bản báo cáo cuối cùng làm sáng tỏ mọi cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Cũng phải nói thêm rằng, trong khi cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hết mình để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc can thiệp quân sự không đáng có vào Syria, tác động xấu tới cuộc sống của người dân nước này thì lực lượng đối lập Syria lại có những hành động trái ngược.

Đầu tiên là việc kêu gọi Mỹ, Anh, Pháp cung cấp vũ khí, thực hiện ngay chiến dịch quân sự nhằm tấn công vào quân đội chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Tiếp đó là những cáo buộc không có lý lẽ và đầy mâu thuẫn về thiện chí tham gia Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học của Syria và những động thái của chính quyền Damascus thực thi kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học.

Mục đích lợi dụng cái gọi là “dân chủ” để tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm thuộc lực lượng đối lập này ngày càng lộ rõ. Tin từ Hãng AFP cho hay, trong số hơn 33 phe nhóm tham gia lực lượng đối lập ở Syria, có tới 13 tổ chức có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

13 tổ chức này do nhóm chiến binh Mặt trận Nusra cầm đầu mới đây còn ra tuyên bố cho biết, Liên minh Quốc gia Syria (SNC) - nhóm đối lập có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ, được phương Tây ủng hộ và công nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Syria, không đại diện cho các lợi ích của họ.

Theo giới phân tích, sự chia rẽ này sẽ gây ảnh hưởng đến nỗ lực của Washington trong việc đưa lực lượng ôn hòa trong lực lượng đối lập Syria lên cầm quyền ở Syria

Gia Nam
.
.
.