Liên đoàn Arab lên kế hoạch thành lập Nhà nước Palestine
Ngày quốc tế đoàn kết
Năm nay, gày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine (29/11) đã trở thành một ngày đặc biệt và có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Palestine nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung bởi lẽ, cùng với các hoạt động kỷ niệm trên toàn thế giới, AL đã thông qua dự thảo nghị quyết trong đó thiết lập thời gian biểu cho việc thành lập Nhà nước Palestine cũng như việc Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine từ năm 1967.
Văn kiện này sẽ được Jordan - thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ trong một vài ngày tới. Trong thời gian đó, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi, lãnh đạo Palestine, Kuwait, Mauriatani và cả Jordan sẽ cùng nhau thực hiện kế hoạch vận động hành lang nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với dự thảo nghị quyết này.
Giới quan sát nhận định, việc đưa ra một nghị quyết chung của liên đoàn về việc thành lập Nhà nước Palestine của AL là một hành động khá khôn ngoan và kịp thời. Bởi 2 năm sau ngày Palestine được LHQ ra quyết định công nhận là một nhà nước độc lập, vẫn còn nhiều quốc gia chưa chính thức công nhận Nhà nước Palestine, đặc biệt là các nước phương Tây.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các nỗ lực ngoại giao nhằm khai thông bế tắc giữa Israel và Palestine đang vấp phải nhiều khó khăn thì đã có thêm nhiều quốc gia tính đến việc công nhận Nhà nước Palestine. Chẳng hạn như hôm 28/11, khi phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã phải nói rằng, nếu nỗ lực cuối cùng nhằm đạt được một giải pháp thông qua đàm phán thất bại thì “Pháp sẽ phải làm việc cần làm lập tức công nhận Nhà nước Palestine”.
Dự kiến, vào ngày 2/12, Quốc hội Pháp cũng sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng về vấn đề này. Trong khi đó, vào hồi trung tuần tháng 10, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu nhất trí công nhận Nhà nước Palestine. Còn tại Thụy Điển đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine bất chấp sự phản đối của Israel. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển còn nói rằng, đây là bước quan trọng khẳng định quyền tự quyết của người Palestine.
Các Ngoại trưởng AL đã nhóm họp về vấn đề Palestine hôm 29/11 và đệ trình lên LHQ dự thảo Nghị quyết thành lập Nhà nước Palestine. Ảnh: EFE. |
Trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi cho biết, dự thảo nghị quyết lần này được xây dựng dựa trên những đề xuất của AL liên quan đến việc thành lập Nhà nước Palestine cách đây 2 năm. Theo đó, các tổ chức quốc tế trên thế giới sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành Nhà nước này. Song song với việc thành lập Nhà nước Palestine, AL cũng muốn phải thiết lập nhanh chóng thời gian biểu cho việc Israel rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.
Cho đến nay, trong vấn đề này, chính quyền Tel Aviv vẫn chưa thật thiện chí và việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn theo vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập cũng chưa tốt. Bạo lực và đụng độ xảy ra ở Dải Gaza đang khiến cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông ngày càng xấu đi.
Về vấn đề này, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng đã chỉ trích Israel đang theo đuổi các biện pháp đơn phương và khẳng định, Palestine không đàm phán với Tel Aviv nếu nước này vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái mới tại Jerusalem và Bờ Tây. Hiện có nhiều trở ngại đối với việc nối lại đàm phán với Israel, trong đó có việc Nội các Israel thông qua Dự luật Do Thái hôm 23/11 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh Palestine đã công nhận Israel là quốc gia có chủ quyền cách đây hơn 2 thập kỷ theo Hiệp định Oslo năm 1993 song "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ" công nhận Israel là Nhà nước Do Thái.
Một mặt thúc giục Hội đồng Bảo an LHQ chấp thuận kế hoạch của AL, mặt khác, Tổng thống Mahmoud Abbas cũng cảnh báo việc chính quyền Palestine sẽ hạn chế tiếp xúc và ngừng hợp tác an ninh với Israel cũng như tìm cách gia nhập Tòa án hình sự quốc tế để từ đó tìm cách khởi kiện Tel Aviv vì phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người khi tiến hành các chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.