Libya mở chiến dịch tranh cãi pháp lý với NATO

Thứ Năm, 09/06/2011, 14:02
Đáp lại chiến dịch ngoại giao rầm rộ của NATO nhằm thể hiện sự ủng hộ của lực lượng đối lập, đặc biệt là Hội đồng chuyển tiếp quốc gia tại Benghazi cũng như "đòn tâm lý" đánh vào giới chức trong chính phủ Libya, ngày 8/6, Tổng thống Moammar Gadhafi đã "phản pháo" bằng tuyên bố, sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
>> NATO-Anh thắt chặt vòng vây nhằm vào Tổng thống Libya

Thông điệp này được đưa ra chưa đầy một giờ sau khi dinh thự riêng của ông tại thủ đô Tripoli bùng cháy dữ dội vì những đợt tấn công liên tiếp của quân đội NATO. Đồng thời, ông Moammar Gadhafi đã "tung" cô con gái cưng Aisha al-Gadhafi vào "trận quyết tử" như một vũ khí đặc biệt, lợi hại.

Nguồn tin từ hãng AP cho hay, Aisha al-Gadhafi đã chiêu mộ một nhóm gồm 3 luật sư nổi tiếng người Pháp, viết đơn kiện NATO vì giết chết 4 thành viên trong gia đình bà gồm em trai Saif el-Arab  và cùng 3 đứa cháu, trong đó có một bé gái mới 4 tháng tuổi trong các cuộc không kích hồi cuối tháng 4 vừa qua. Luật sư Luc Brossollet đã giúp bà Aisha al-Gadhafi nộp đơn kiện lên tòa án ở Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở của NATO.

Bằng những lập luận sắc sảo và chặt chẽ, bà Aisha al-Gadhafi đã cáo buộc NATO phạm tội ác chiến tranh và có hành vi giết người khi cố tình không kích vào các khu dân cư, dinh thự của Tổng thống Gadhafi và cả trụ sở các cơ quan chính phủ Libya ở thủ đô Tripoli. Hãng AP cho biết, phải mất ít nhất 2 tuần tòa án Brussels mới có câu trả lời về đơn kiện này.

Các cuộc không kích dữ dội của NATO khiến Libya luôn chìm trong biển lửa và đống đổ nát. Ảnh: AFP.

Song, như luật sư của bà Aisha là Dominique Atdjian tuyên bố, Libya sẽ không để vụ việc bị chìm lắng và nhất quyết đòi công lý cho những nạn nhân trong các vụ không kích nói trên.

Hiện cả hai luật sư Dominique Atdjian và Luc Brossollet đều đã tới Bỉ, chuẩn bị quá trình tranh tụng. Một nhóm luật sư và điều tra viên khác của Libya sẽ có trách nhiệm cung cấp thêm tài liệu, bằng chứng cho hai luật sư này trước khi nhận quyết định của tòa về việc có thụ lý vụ án hay không. 

Trong khi đó, NATO vẫn tiếp tục giáng các quả bom có sức công phá mạnh vào một loạt mục tiêu mới ở Tripoli. Còn Nga, sau khi nhận trách nhiệm làm trung gian hòa giải, đã cử ông Mikhail Margelov tới tiếp xúc với lực lượng chống đối Libya. Nga cam kết cung cấp viện trợ kinh tế và nhân đạo cho lực lượng này và hợp tác với Hội đồng chuyển tiếp quốc gia trong các nỗ lực hòa giải và ổn định đất nước thời hậu Gadhafi.

Tin từ báo chí Nga cho hay, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Nga Victor Ozerov còn tuyên bố, Nga sẵn sàng cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Libya nếu như Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tổng thống Dimitrty Medvedev chấp thuận. Còn Mỹ, quốc gia "mạnh tay" nhất trong cuộc chiến ở Libya kể từ khi đề xuất các biện pháp trừng phạt chính quyền Tripoli lên Hội đồng Bảo an LHQ lại đang vấp phải những mâu thuẫn nội bộ xung quanh vấn đề này.

Tranh cãi đã nảy sinh giữa Quốc hội và Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế cũng bắt đầu lên tiếng về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo ở Libya.

Đặc biệt, khác với những lần trước, lần này, tổ chức Human Right Watch thậm chí còn cáo buộc lực lượng chống đối Libya ở Benghazi đã bắt giữ dân thường một cách vô cớ chỉ vì nghi ngờ họ có quan điểm ủng hộ chính phủ của Tổng thống Moammar Gadhafi. Điều tra của Human Right Watch còn cho hay, ít nhất 1 người trong số này đã chết vì bị tra tấn, đánh đập dã man.

Thông tin mà Human Right Watch đưa ra dấy lên những lo ngại về sự lạm quyền và đi quá giới hạn của lực lượng chống đối ở Libya khi mà ngày càng có nhiều quốc gia phương Tây tỏ thái độ ủng hộ lực lượng này. Và một khi có sự can thiệp của nước ngoài, tình hình tại Libya sẽ còn có những diễn tiến khó lường mà ở đó, người dân phải chịu thiệt thòi nhiều nhất

Sông Thương
.
.
.