Leo thang căng thẳng Nga - Ukraine

Thứ Năm, 02/10/2014, 09:00
Căng thẳng giữa Nga - Ukraine đang có dấu hiệu leo thang trở lại khi cả hai cùng tuyên bố đang mở các cuộc điều tra hình sự nhằm vào các quan chức của nhau. Cuộc chiến pháp lý này được cho là sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai nước và gây áp lực lên thỏa thuận ngừng bắn hôm 5/9 giữa Kiev và lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông Ukraine.

Trong một tuyên bố chính thức ngày 29/9, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc quyền của Tổng thống, cho biết đã mở vụ án hình sự đối với tội diệt chủng cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông Nam Ukraine. Theo tuyên bố trên, những cư dân nói tiếng Nga là mục tiêu của quân đội Ukraine khi lực lượng này sử dụng các vũ khí hạng nặng, khiến hơn 2.500 người thiệt mạng tại “các nước Cộng hòa Nhân dân Lugansk và Donetsk”; Các đại diện không xác định của giới lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao của Ukraine, Vệ binh Quốc gia và Cánh hữu (một tổ chức dân tộc chủ nghĩa) đã ra những chỉ thị nhằm cố ý thủ tiêu các công dân nói tiếng Nga. Người phát ngôn ãỦy ban điều tra Liên bang Nga Vladimir Markin cho biết: “Theo Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga, những người phạm tội ác diệt chủng có thể chịu hình phạt 20 năm tù giam hoặc tử hình”.

Trong một động thái được coi là trả đũa, ngày 30/9, các công tố viên Ukraine cho biết họ cũng đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào một cơ quan hành pháp của Nga, đồng thời cáo buộc cơ quan này hỗ trợ phe ly khai và các nhóm “khủng bố” ở miền Đông Ukraine. Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng công tố Ukraine xác nhận đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào các quan chức thuộc Ủy ban Điều tra Liên bang Nga. Tuyên bố còn tố cáo các quan chức này “can thiệp phi pháp” vào công việc của các cơ quan hành pháp và lực lượng vũ trang Ukraine. Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố: “Nga đã ký tất cả 12 điều khoản trong lệnh ngừng bắn tại Minsk, trong đó có điều khoản là không được nổ súng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã cho thấy có một khoảng cách khá xa từ lời nói đến hành động. Theo tôi, Nga thiếu thiện chí để giải quyết xung đột”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AP.

Trong khi đó, tình hình tại miền Đông Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng khi người phát ngôn Hội đồng An ninh và quốc phòng Ukraine Andriy Lysenko cho biết, ít nhất 9 binh sĩ và 3 thường dân đã thiệt mạng, 32 người khác bị thương trong một cuộc tấn công diễn ra vào đêm 29/9 do lực lượng đối lập phát động nhằm vào sân bay Donetsk. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh, quân đội nước này sẽ tấn công nếu phe ly khai không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn; đồng thời, quân chính phủ đã thiết lập một “tiền tuyến đáng tin cậy” tại miền Đông. Đây là thiệt hại lớn nhất trong một vụ giao tranh của quân đội Ukraine kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ hôm 5-9, có nguy cơ khiến thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ. Trong khi đó, hội đồng thành phố Donetsk trong một tuyên bố cho biết, ít nhất 3 dân thường thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong vụ pháo kích vào ban đêm tại một khu dân cư phía Bắc thành phố.

Căng thẳng giữa Ukraine và Nga cũng gây sóng gió cho quan hệ giữa Nga và phương Tây. Giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/9 thông báo Đại sứ của các nước thành viên EU quyết định giữ nguyên gói trừng phạt đang áp đặt đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Phát biểu tại cuộc thảo luận về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Ukraine và lực lượng ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông Ukraine, một quan chức EU tuyên bố: “Chúng tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng”. Theo các quan chức EU, hiện còn quá sớm để bãi bỏ các lệnh trừng phạt này cho dù thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên đã được thiết lập hôm 5/9. EU xem thỏa thuận này là bước tích cực đầu tiên tiến tới việc chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài 5 tháng qua tại các tỉnh miền Đông Ukraine.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga có thể được điều chỉnh, ngừng, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn, phụ thuộc vào tình hình an ninh tại các tỉnh miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cho rằng chưa thể có chuyện nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga trong giai đoạn này. Phản ứng trước động thái này của EU, cũng trong ngày 30/9, các nghị sĩ Thượng viện Nga đã ngừng mọi liên lạc liên Quốc hội với các nước ủng hộ trừng phạt Nga. Moskva cũng đồng thời cảnh báo, EU có khả năng mất hàng trăm tỷ USD và hàng ngàn việc làm do các biện pháp trừng phạt qua lại với Nga.

Cũng trong ngày 30/9, Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine (CEC) đã kết thúc quá trình đăng ký ứng cử viên theo danh sách các đảng và khu vực tranh cử vào Verkhovna Rada (Quốc hội). Cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine trước thời hạn dự kiến diễn ra vào ngày 26/10 tới, theo đó sẽ bầu ra 225 nghị sĩ theo danh sách đảng và 213 nghị sĩ tại các khu vực. Có 3.125 ứng viên do 29 đảng phái chính trị đề cử đăng ký với CEC. Thư ký báo chí CEC, Konstantin Hivrenko cho biết trong ngày cuối cùng nộp đăng ký lên CEC, có thêm khoảng 900 ứng cử viên đăng ký.

Trước đó, trong cuộc gặp với các Chủ tịch và Thư ký ủy ban bầu cử khu vực để thảo luận vấn đề tổ chức chuẩn bị và tiến hành bầu cử quốc hội sớm, Chủ tịch CEC, Mikhain Ohendovsky khẳng định cuộc bầu cử ngày 26/10 có thể được tiến hành tại 11 khu vực của tỉnh Donetsk và 4 khu vực thuộc tỉnh Lugansk. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchynov lại tuyên bố rằng cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ “chỉ tiến hành tại các tỉnh và thành phố do quân đội và chính quyền Ukraine kiểm soát”

Hà Khổng (theo Reuters, Itar-Tass)
.
.
.