Cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông:

Lên tiếng vì hòa bình và công lý

Thứ Ba, 30/06/2015, 08:15
Giàn khoan Hải Dương 981 đã quay trở lại Biển Đông và sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại mỏ Lăng Thủy có tọa độ 17 độ 3,75 phút vĩ Bắc, 109 độ 59,05 phút kinh Đông, thuộc vùng biển phía Nam cửa Vịnh Bắc Bộ và phía Tây Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông tin nói trên của Cục An toàn hàng hải Trung Quốc và hành động tăng tốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông của nước này đang dấy lên những lo ngại mới trong cộng đồng quốc tế về an ninh trong khu vực. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn vì hòa bình và công lý và vì một thế giới không có chiến tranh như lời kêu gọi của Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam Anjuska Weil trong cuộc tuần hành hôm 27/6 tại Geneva.

Từ kháng thư phản đối

Theo tin từ TTXVN, chiều 27/6, đông đảo bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình cùng sinh viên, Việt kiều đã tụ họp tại khu vực quảng trường Liên hợp quốc (LHQ) - nơi đặt biểu tượng chiếc ghế ba chân khổng lồ tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) để cùng tham gia diễu hành, ký kháng thư phản đối Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Đại diện cho giới trẻ, anh Lưu Vĩnh Toàn, Phó chủ tịch Hội Thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ đã có bài phát biểu nhấn mạnh đến các cơ sở pháp lý và các bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và từ rất lâu đời của Việt Nam. Các hoạt động của Trung Quốc xây dựng, bồi lấp làm thay đổi nguyên trạng các quần thể đảo ở Trường Sa trên Biển Đông là điều nhân dân Việt Nam, cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam Anjuska Weil cho rằng: "Các nước trên thế giới cần hiểu rõ bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; bên cạnh việc cần ủng hộ Việt Nam trong công cuộc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, cũng cần lên tiếng vì hòa bình và công lý, vì một thế giới không có chiến tranh.

Điều đáng chú ý là cuộc tuần hành này đã thu hút được cả sự tham gia của những người yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa tại Thụy Sĩ và trên thế giới cùng lên tiếng phản đối những hành động xây dựng, bồi lấp trái phép làm thay đổi nguyên trạng các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Có những người Thụy Sĩ đã lặn lội hàng trăm cây số để tới thành phố Geneva, thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ với nhân dân Việt Nam.

Nhiều người Philippines cũng có mặt, vẫy cờ và mang theo khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút khỏi Biển Đông. Ngay sau điệu múa thể hiện khát vọng hòa bình của giới trẻ Việt Nam, mọi người cùng ký kháng thư đề nghị Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, các tổ chức quốc tế có trách nhiệm lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc và có hình thức can thiệp cần thiết để giữ vững hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không của các nước tại khu vực Biển Đông.

Đoàn diễu hành tại khu vực quảng trường LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ để phản đối hành động làm thay đổi nguyên trạng biển Đông của Trung Quốc. Ảnh: Vietnamplus.

Đến chỉ trích của cộng đồng quốc tế

Diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế tại thành phố Frankfurt Main của Đức nhằm đòi Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng và chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, cuộc tụ họp ở Thụy Sĩ đã cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam nói chung và ASEAN nói riêng trong việc đòi công lý trong vấn đề Biển Đông.

Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần bày tỏ lo ngại sau khi hoàn tất việc cải tạo trái phép tại Trường Sa, Trung Quốc sẽ ngang nhiên tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đồng thời, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới cũng thẳng thừng chỉ ra rằng, việc tiếp tục xâm lấn Biển Đông của Trung Quốc là hành động không tôn trọng Công ước Quốc tế của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cũng chưa thực lòng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Mới đây, vào ngày 27/6, chính phủ Philippines cũng tố cáo Trung Quốc vẫn đang tăng tốc lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trang bị thêm vô số máy móc phục vụ việc xây dựng như máy nạo, máy vét, cần trục…

Với tư cách là một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ, các hành động coi thường pháp luật quốc tế, không tôn trọng các nước láng giềng trong khu vực nói trên của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Tại hội thảo về Biển Đông ở Moskva hồi đầu tháng, GS.TS Dmitry V.Mosyakov - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông – Viện Hàn lâm khoa học Nga đã nhấn mạnh: “Bản chất mới của cuộc xung đột ở Biển Đông, với những xung đột phát triển nhanh chóng, rõ ràng vượt ra khỏi khuôn khổ khu vực và biến thành xung đột toàn cầu. Điều này có thể được lý giải trước hết bởi chính sách của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể, và Trung Quốc trong những năm gần đây đã thể hiện sự cứng rắn và không khoan nhượng. Thực tế họ đã từ chối tôn trọng các quyền lợi hợp pháp của các nước láng giềng và làm tất cả để xoá bỏ hoàn toàn nguyên trạng vốn đã mong manh”.

Cũng theo GS.TS Dmitry V.Mosyakov, sự khởi đầu của chính sách này là vào năm 2009 khi Bắc Kinh chính thức đặt ra “đường 9 đoạn” và “từng bước tiến tới chỗ biến sở hữu một cách hình thức thành sở hữu trên thực tế và thiết lập quyền kiểm soát thực tế trên toàn bộ không gian rộng lớn này”.

GS.TS Dmitry V.Mosyakov nhận định: “Bước leo thang tiếp theo của cuộc xung đột là vào đầu năm 2014 Trung Quốc thông qua quyết định bắt đầu cái gọi là "công việc nghiên cứu dầu" và thực hiện ở chính những khu vực (theo UNCLOS) được tất cả công nhận, phải thuộc về Việt Nam".

Chính những hành động này càng khiến Trung Quốc bị chỉ trích và bị cô lập. Vì thế, theo GS.TS Dmitry V.Mosyakov, Trung Quốc phải tự tìm cách thoát khỏi “vùng lầy” này bằng việc thay đổi đường lối của mình, hợp tác với các nước láng giềng trong khi có tính đến lợi ích hợp pháp của họ, tìm kiếm và đạt được một thỏa hiệp dựa trên luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS.

Huyền Chi
.
.
.