Lebanon đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thứ Hai, 22/10/2012, 08:53

Vụ đánh bom làm ít nhất 8 người thiệt mạng, trong đó có Tướng Wissam al-Hassan - Cục trưởng tình báo của Lực lượng an ninh nội địa Lebanon hôm 19/10 không những gây sóng gió cho mối quan hệ ngoại giao Lebanon-Syria mà còn có tác động tiêu cực tới hệ thống chính trị nước này. Hôm 20/10, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati đã đệ đơn xin từ chức lên Tổng thống Michel Suleiman và tuyên bố, nội các của ông sẵn sàng từ chức nếu nội bộ chính quyền không đoàn kết.

Tin từ hãng AFP cho hay, đơn từ chức của Thủ tướng Najib Mikati đã được gửi lên Tổng thống Michel Suleiman hôm 20/10, sau khi lực lượng đối lập nước này tổ chức biểu tình, kích động mọi người đổ tội Syria đứng đằng sau vụ việc và kêu gọi ông Najib Mikati từ chức. Tuy nhiên, ông Michel Suleiman đã đề nghị ông Najib Mikati tiếp tục lãnh đạo chính phủ vì lợi ích quốc gia.

Cuối cùng, Thủ tướng Lebanon đã chấp thuận yêu cầu của Tổng thống và cam kết sẽ tìm ra, trừng trị những kẻ chủ mưu của vụ đánh bom. Dẫu vậy, ông Najib Mikati vẫn thẳng thắn tuyên bố rằng nếu người dân Lebanon không đoàn kết, nội các của ông sẵn sàng từ chức và đây sẽ là cơn sóng gió mạnh đối với hệ thống chính trị ở quốc gia này kể từ sau cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Vụ đánh bom ở Beirut đã làm Tướng Wissam al-Hassan và 7 người khác thiệt mạng.

Và để tìm ra phương án thích hợp đối phó với tình hình hiện tại, Thủ tướng Lebanon đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp. Các lực lượng an ninh, cảnh sát, quân đội được đặt trong tình trạng báo động cao do sự gia tăng các cuộc biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối vụ đánh bom. Tuy nhiên, những nỗ lực này của chính quyền Beirut vẫn không làm hài lòng lực lượng đối lập mà người đứng đầu là Saad Hariri, con trai cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Lực lượng này vẫn tiếp tục kêu gọi biểu tình trong ngày Quốc tang 20/10, chặn mọi ngã đường vào Beirut và những thành phố lớn khác. Nhiều người đang lo ngại, lực lượng đối lập có thể lợi dụng cái chết của Tướng Wissam al-Hassan để kích động dân chúng, kêu gọi người Hồi giáo dòng Sunni tổ chức các cuộc nổi dậy hoặc bạo lực nhằm chống lại nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shia Hezbollah và những đồng minh của nhóm này trong chính phủ.

Bằng chứng là từ chiều 19/10, những kẻ quá khích đã xuất hiện trên đường phố, đốt các cửa hàng cửa hiệu và ném lốp ôtô đang cháy dở vào các tòa nhà, trụ sở làm việc của chính phủ. Những kẻ này vẫn tiếp tục cáo buộc Syria và Hezbollah đứng đằng sau vụ ám sát.

Giới quan sát nhận định, Lebanon đang cận kề nguy cơ khủng hoảng chính trị. Hiện giờ, chỉ có cách thức đối phó khôn khéo của chính quyền mới có thể đẩy lùi được các cuộc biểu tình bạo lực đang được nhen nhóm. Có lẽ vì thế mà đến ngày 21/10, lực lượng đứng đầu chính quyền Lebanon là Hezbollah đã ra một tuyên bố khá mạnh mẽ là sẽ trừng trị thích đáng những kẻ "đục nước béo cò", lợi dụng tình hình ở Lebanon để phục vụ mục đích chính trị riêng.

Đồng thời, Hezbollah cũng tuyên bố rằng, chưa có bằng chứng để khẳng định cái chết của Tướng Wissam al-Hassan có liên quan đến tòa án xét xử thủ phạm vụ đánh bom cựu Thủ tướng Rafik Hariri... Từ New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng cực lực lên án vụ đánh bom tại thủ đô Beirut và gửi lời chia buồn tới người dân Lebanon.

Cảnh báo rằng thủ phạm của vụ đánh bom cần phải được đưa ra trước công lý, ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những người đứng đầu đất nước là Tổng thống Michel Suleiman và Thủ tướng Najib Mikati trong việc tiếp tục các chính sách nhằm bảo vệ người dân Lebanon trước những bất ổn trong khu vực, đồng thời khẳng định cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế vì chủ quyền và sự ổn định của Lebanon 

Phan Hiển
.
.
.