Làm rõ thông tin về lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông của Trung Quốc
Ngày 10/1, khu vực châu Á lại nóng trước thông tin mà báo chí phương Tây đăng tải cho hay, theo lệnh ngư nghiệp Trung Quốc được chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tàu cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt hay dò tìm trong khu vực rộng tới 2 triệu cây số vuông, chiếm 2/3 diện tích Biển Đông. Chính phủ
Hãng tin Reuters dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho hay, chính quyền Manila đã yêu cầu Đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh tìm hiểu thông tin xung quanh lệnh cấm vô lý nói trên của tỉnh Hải Nam. Theo thông tin mà báo chí phương Tây dẫn lại từ bài báo đăng trên Tân Hoa Xã từ cuối tháng 11/2013 và bài báo trên một số trang web của tỉnh Hải Nam hôm 3/12/2013, lệnh cấm đánh bắt cá được coi là một phần của chính sách thực thi Luật Thủy sản của Trung Quốc, được ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Lệnh này đòi hỏi các tàu cá nước ngoài muốn hoạt động “trong vùng quản lý” của Hải Nam, kể cả vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, phải xin phép trước khi đánh bắt hay dò tìm trong khu vực rộng tới 2 triệu cây số vuông, tức chiếm 2/3 diện tích Biển Đông. Những tàu “vi phạm” các quy định này sẽ bị buộc phải rời khỏi khu vực, bị phạt 500.000 nhân dân tệ (tương đương 82.600 USD) và số cá đánh bắt sẽ bị tịch thu. Chưa hết, trong một số trường hợp, tàu đánh cá nước ngoài còn có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.
Tháng 8/2013, ngư dân Philippines đã bị thiệt hại lớn bởi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc. |
Hiện chưa có lời bình luận chính thức nào từ phía chính quyền tỉnh Hải Nam nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn báo giới xung quanh vấn đề này vẫn ngang nhiên cho rằng đây là những quy định bình thường trên biển với mục đích tăng cường an ninh và kiểm tra, kiểm soát hoạt động đánh bắt cá, ngăn chặn những hành động trái phép tác động xấu đến môi trường và hoạt động đánh bắt cá trên Biển Đông.
Nếu đúng có một lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do tỉnh Hải Nam đưa ra và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 thì đây là những động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa và có thể khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Cho đến chiều 10/1, đã có nhiều quốc gia lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá vô lý này.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez còn cho hay, trong lúc chờ xác minh thông tin về lệnh ngư nghiệp của Trung Quốc, Philippines đã triển khai lực lượng bảo vệ khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này và giúp cho ngư dân hoạt động đánh bắt cá một cách bình thường. Một quan chức cấp cao khác trong lực lượng hải quân Philippines thì khẳng định, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc (kể cả trước đây và bây giờ) đều vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Nhân vật này khẳng định, Trung Quốc không thể mở rộng quyền kiểm soát các hoạt động đánh bắt cá của mình ra ngoài vùng biển quốc tế mà chỉ có trách nhiệm quản lý hoạt động này trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý mà UNCLOS đã quy định.
Dõi theo những diễn biến về tranh chấp chủ quyền ở khu vực châu Á, Mỹ đã có những phản ứng đầu tiên trước thông tin về lệnh ngư nghiệp của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo diễn ra vào sáng 10/1 (theo giờ Việt
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nhấn mạnh: “Việc thông qua những giới hạn như vậy đối với hoạt động đánh bắt cá của các nước khác tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và nguy hiểm tiềm tàng. Những quy định đó dường như được áp dụng trong phạm vi vùng biển mà Trung Quốc gọi là đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ giải thích hoặc cơ sở nào theo luật pháp quốc tế cho những yêu sách hàng hải mở rộng đó”.
Nhắc lại lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông, bà Jen Psakai cho rằng, các bên có liên quan cần tránh bất kỳ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại những triển vọng về một giải pháp ngoại giao hoặc giải pháp hòa bình khác cho những khác biệt. Một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tên là John Tkacik thì nhận định, quyết định của tỉnh Hải Nam không bất ngờ bởi lẽ trước đây đã nhiều lần Trung Quốc có những lệnh cấm đánh bắt cá vô lý mà gần đây nhất là lệnh cấm đánh bắt cá hồi tháng 8 năm 2013, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo quan điểm của ông John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc thì hành động nói trên của Trung Quốc chỉ cho thấy sự bất lực của nước này trong việc giảng hòa với các nước trong khu vực. Càng đơn phương áp đặt những biện pháp vô lý trên các vùng biển quốc tế, Trung Quốc càng tự hủy hoại hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Cách tốt nhất, theo ông John Tkacik và các nhà bình luận quốc tế khác là Trung Quốc cần phải nghe ngóng xem phản ứng của các quốc gia và cùng ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng.
Về phía các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước thành viên ASEAN, cũng nên sớm thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để làm cơ sở pháp lý giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trên vùng biển này