Đàm phán hạt nhân Iran và nhóm P5+1:

Lạc quan chen lẫn nghi ngờ

Thứ Tư, 16/10/2013, 08:57
Ngày 15/10, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã bước vào vòng đàm phán hạt nhân sau 6 tháng bị trì hoãn. Cả Iran và Mỹ đều đưa ra những tuyên bố vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn khiến dư luận dù lạc quan nhưng cũng đầy lo ngại về những gì có thể sẽ diễn ra trong cuộc họp quan trọng này.

Phép thử của tân Tổng thống Iran

Hai ngày họp kín giữa Iran và nhóm P5+1 đã bắt đầu lúc 9h30 ngày 15/10 tại văn phòng của Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva, Thụy Sĩ. Theo các phương tiện truyền thông của Iran, Tehran tham dự các vòng đàm phán hạt nhân với các đề xuất mới liên quan đến việc ngừng sản xuất urani làm giàu ở cấp độ 20%, đổi lại, Mỹ và các nước phương Tây phải giảm các biện pháp trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Gói đề xuất trên, nếu được thông qua ở bước đầu tiên, sẽ buộc các bên "công nhận quyền làm giàu urani trên lãnh thổ Iran” là mục tiêu của các cuộc thương lượng. Gói đề xuất này cũng bao gồm các bước đi chung nhằm đi đến một kết quả cuối cùng trong đàm phán hạt nhân. Tiến tới bàn đàm phán với Iran, Mỹ và phương Tây cũng mang đến một thái độ lạc quan khi để ngỏ khả năng nghiêm túc xem xét việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm đáp ứng bất kỳ sự nhượng bộ nào từ phía Iran.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran.

Các nhà ngoại giao cũng cho biết, kịch bản về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đã được soạn thảo trước các cuộc đàm phán. Chỉ bấy nhiêu thái độ cùng với những sự kiện gần đây như cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với tân Tổng thống Hassan Rowhani hay cuộc gặp với những người đồng cấp Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức tại LHQ của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và cuộc thảo luận trực tiếp kéo dài 30 phút với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cho thấy những tín hiệu khả quan trên bàn đàm phán.

Nhiều nhà phân tích thậm chí còn gọi đây là “phép thử” đối với tân Tổng thống Hassan Rowhani bởi khi mới nhậm chức, ông này đã cam kết sẽ dùng giải pháp “thương lượng” và ngoại giao mềm mỏng để giải quyết vấn đề hạt nhân. Tuy vậy, dù có lạc quan đến mấy thì nhiều người vẫn nhận định rằng, sẽ khó có một sự đồng thuận ngay ở bước đầu tiên và cuộc đàm phán có thể sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi mà Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố, Tehran sẽ không chuyển số uranium được làm giàu ra khỏi đất nước và cũng sẽ không ngừng các hoạt động làm giàu urani theo đề xuất của phương Tây.

Ông Abbas Araqchi nói: "Chúng tôi sẽ đàm phán về số lượng, cấp độ và cách thức làm giàu urani, song việc chuyển nguyên liệu (được làm giàu) là một giới hạn đỏ đối với Iran”. Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao cũng nhắc lại rằng Iran sẽ kiên quyết theo đuổi quyền phát triển hạt nhân hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, và rằng nước này sẽ đàm phán nghiêm túc và tích cực tại Geneva để các bên có thể đi tới một thỏa thuận cùng chấp nhận được.

Cần xây dựng lòng tin

Phải nói rằng, lạc quan là điều không thể thiếu khi bước vào bất kỳ một cuộc đàm phán nào. Nhưng sự lạc quan đó phải được xây dựng dựa trên lòng tin. Đây chính là điều Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larigiani đã đề cập khi được hỏi về khả năng Iran có thể đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào tại các cuộc đàm phán.

Theo ông Ali Larigiani, cuộc đàm phán đã mở ra một cơ hội mới và các bên cần phải sẵn sàng tận dụng nó. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov trong cuộc họp báo ở thủ đô Moskva cũng nhấn mạnh rằng, Nga hy vọng các cuộc đàm phán sẽ đem lại những kết quả tích cực và các bên sẽ thông qua được một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn. Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Catherine Ashton cũng bày tỏ sẽ có 2 ngày làm việc hiệu quả ở Geneva.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter cũng có niềm tin tương tự. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lo ngại về khả năng đàm phán đổ vỡ do những “chọc ngoáy” từ phía Israel. Hôm 13/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi các lãnh đạo Anh và Pháp không nên xóa bỏ các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Và mới đây nhất, vào rạng sáng 15/10, tức chỉ vài giờ trước khi cuộc đàm phán ở Geneva bắt đầu, tờ The Times of Israel đã đưa ra một tài liệu gắn mác của Iran với nội dung cho rằng, Tehran đã lên một chiến lược ngầm áp dụng trong quá trình đàm phán để từ đó cô lập Mỹ với các nước đồng minh châu Âu trong nhóm P5+1. Tờ báo này còn cho biết, tài liệu nói trên thuộc “Chương trình ngoại giao của chính phủ Rouhani”, được Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif trình lên Tổng thống ngày 7/8, tức 4 ngày sau khi ông Hassan Rouhani nhậm chức.

Chưa rõ nội dung tài liệu này là thật hay giả nhưng những gì Tel Aviv làm được cho là sẽ tác động xấu đến quá trình đàm phán. Vì thế, theo các nhà phân tích, nếu chưa đạt được một thỏa thuận hay bước tiến nào thì cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 cần thiết phải xác lập lòng tin thì mới có thể đưa ra được những giải pháp tiếp theo

Sông Thương
.
.
.