LHQ sẵn sàng làm trung gian hòa giải khủng hoảng chính trị ở Syria

Thứ Hai, 04/03/2013, 08:59
Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây gia tăng hỗ trợ tài chính và vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria, hôm 2/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon và đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) về Syria Lakhdar Brahimi vẫn khẳng định, tổ chức toàn cầu này sẵn sàng tạo điều kiện và đóng vai trò trung gian cho các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng và bạo lực đẫm máu kéo dài 2 năm qua tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp kín tại Thụy Sĩ khẳng định: "LHQ hoan nghênh và sẵn sàng thúc đẩy cuộc đối thoại giữa một đoàn đại diện có năng lực và tiêu biểu của phe đối lập và một đoàn đại biểu đáng tin cậy được Chính phủ Syria ủy quyền". Đồng thời, ông Ban Ki-moon và ông Lakhdar Brahimi cũng bày tỏ sự thất vọng về thất bại của cộng đồng quốc tế trong hành động để chấm dứt xung đột tại Syria, đồng thời nhấn mạnh và kêu gọi sự đoàn kết của cộng đồng thế giới trong giải quyết khủng hoảng Syria.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong trách nhiệm phải giải trình của các bên trước tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Theo tin từ hãng Reuters, trung tuần tháng 2 vừa qua, các điều tra viên của LHQ đã xác định được những người Syria "giữ vị trí lãnh đạo" có khả năng phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh cùng với các đơn vị bị cáo buộc thực hiện các hành động đó.

Thành viên của Lữ đoàn Abdallah Al Kaakeh đang đọ súng với Quân đội Chính phủ Syria tại quận Salaheddine thuộc thành phố Aleppo. Ảnh Reuters.

Trong báo cáo mới nhất dựa trên 445 cuộc phỏng vấn các nạn nhân và nhân chứng nước ngoài, nhóm điều tra trên cho hay cả lực lượng chính phủ và nổi dậy có vũ trang đều đang phạm tội ác chiến tranh, trong đó có tội giết người và tra tấn, trong cuộc xung đột gây kinh hoàng cho dân thường.

Rõ ràng, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tình hình ở Syria trong nhiều tháng qua vẫn không được cải thiện. Ngược lại, giao tranh đẫm máu giữa lực lượng đối lập và quân đội Chính phủ Syria ngày càng gia tăng nhất là khi các lực lượng đối lập nói trên nhận được sự ủng hộ về tài chính và vũ khí từ Mỹ và các quốc gia phương Tây. Hồi cuối tháng 2, Mỹ đã tuyên bố sẽ cấp cho lực lượng đối lập này 60 triệu USD.

Trong khi đó, tại Hội nghị "Những người bạn của Syria" hôm nay 28/2 tại Thủ đô Rome (Italia), châu Âu và các nước Arab đã cam kết tiếp tục hỗ trợ cả về chính trị lẫn vật chất cho Liên minh Dân tộc Syria (SNC), đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc cung cấp vũ khí cho Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Đương nhiên là những quyết định của phương Tây đã không nhận được sự đồng tình của Nga.

Quan điểm của Chính quyền Moskva là các bên tại Syria phải chấm dứt các hành động bạo lực gây đổ máu, chuyển đổi sang đối thoại chính trị và những hội nghị khuyến khích lực lượng cực đoan dùng vũ lực giành chính quyền cũng cần phải được loại bỏ. Hôm 2/3, tiếp đón Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tới thăm Tehran, Ngoại trưởng Iran Akbar Salehi đã lên án chính sách hai mặt của Mỹ tại Syria và nhấn mạnh, không một nước nào có quyền quyết định về tương lai của Syria ngoại trừ chính người dân nước này.

Ông Akbar Salehi nói: "Nếu Mỹ thực sự lo ngại về tình hình đang diễn ra tại Syria, nước này nên buộc phe đối lập tại Syria ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ để chấm dứt đổ máu". Đồng thời, Ngoại trưởng Iran tuyên bố nước này hy vọng ông Bashar al-Assad vẫn sẽ đảm nhận chức Tổng thống Syria cho tới khi diễn ra các cuộc bầu cử vào năm 2014 tới. Trong lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi trên tờ Sunday Times của Anh, Tổng thống Bashar al-Assad cũng cáo buộc chính quyền London đang tìm mọi cách can thiệp vào cuộc xung đột ở nước ông.

Nêu các điều kiện để đàm phán hòa bình với lực lượng đối lập. Ông Bashar al-Assad cũng bày tỏ quan điểm mong muốn các thế lực nước ngoài chấm dứt ngay hành động "đi đêm" với lực lượng đối lập để cho những người Syria trên hai chiến tuyến có thể cùng ngồi thảo luận với nhau vấn đề chung là lợi ích của người dân Syria

Ngọc Khuê
.
.
.