LHQ điều tra về tội ác chiến tranh của phe đối lập Syria

Chủ Nhật, 04/11/2012, 12:29
Ngày 2/11, Liên hợp quốc cảnh báo, sẽ tiến hành điều tra về tội phạm chiến tranh đối với các nhóm đối lập tại Syria sau khi một đoạn băng video được phát tán trên mạng Internet cho thấy, các tay súng đối lập đã sát hại hàng chục binh sỹ chính phủ Syria khi những người này không có vũ khí trong tay.

Được biết, đoạn băng này được phát tán trên các mạng xã hội hôm 1/11 và người ta thấy rằng, nhiều binh sỹ quân đội chính phủ bị bắn chết mặc dù đã đầu hàng sau khi quân nổi dậy tấn công 3 chốt kiểm tra an ninh của quân đội Syria ở thị trấn Saraqeb hôm 1/11.

Từ hoạt động của phe đối lập

Việc này diễn ra khi Quân đội Syria Tự do (FSA) tuyên bố đã chiếm giữ được thị trấn chiến lược Saraqeb ở miền Bắc. Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã hoàn toàn rút khỏi thị trấn Saraqeb, giao điểm của các xa lộ từ Aleppo đến Damascus và bờ biển Địa Trung hải. Giới quân sự cho rằng, việc quân nổi dậy chiếm giữ Saraqeb sẽ gây khó khăn rất lớn cho lực lượng chính phủ trong việc đưa quân tiếp viện và xe bọc thép tới các địa điểm phòng thủ ở Aleppo.

Giới quân sự cho rằng, phe nổi dậy đã cắt phần lớn tuyến đường tiếp tế quân sự của Damascus đến phía Bắc và tình hình này đang rất bất lợi cho lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Hoạt động quân sự diễn ra ngay trong thời điểm thỏa thuận ngừng bắn (từ sáng 26-10 đến hết ngày 29/10) bị thất bại. Cả chính phủ và phe nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau về việc phá vỡ lệnh ngừng bắn được chấp thuận trước đó.

Ngày 1/11 được coi là “ngày đẫm máu” bởi đã có ít nhất 182 người thiệt mạng, trong khi trưởng phái bộ Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi hối thúc Trung Quốc hỗ trợ chấm dứt bạo lực tại Syria. Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) là Radif Mustafa kêu gọi FSA và các phong trào cách mạng khác chịu trách nhiệm về việc sát hại binh lính chính phủ và bắt giữ tất cả những người có liên quan.

Các tay súng thuộc phe đối lập tại Syria.

Trước đó (1/11), người đứng đầu SNC - Chủ tịch Abdel Basset Sayda đã chỉ trích cộng đồng quốc tế vì cho rằng, việc quốc tế không có phản ứng gì trước tình trạng xung đột tại Syria đã tiếp sức cho các phần tử cực đoan. Điều đáng nói là những động thái kể trên diễn ra sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ủng hộ Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) bởi theo Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, SNC không được coi là lực lượng lãnh đạo phe đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Washington ngày càng thất vọng khi SNC không chịu hợp tác với các phái đối lập khác ở Syria trong cuộc chiến lật đổ ông Bashar al-Assad

Tới động thái của Thổ Nhĩ Kỳ

Cũng trong ngày 1/11, tại cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 150 đại biểu là đại diện của các nhóm đối lập Syria, trong đó có SNC và FSA đã nhất trí thành lập chính phủ lưu vong của phe đối lập. Phe đối lập Syria cho biết, việc thành lập chính phủ lưu vong nhằm tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của các nước trong việc thực hiện cái mà các nhóm này gọi là cuộc cách mạng tại Syria. Mặc dù phe nổi dậy được cho là đang thắng thế trên chiến trường nhưng lại bị Liên hợp quốc cáo buộc phạm tội ác chiến tranh sau khi chiếm được căn cứ ở Saraqeb.

Báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin, phe nổi dậy đã giết hại 78 binh lính Syria, trong đó có 28 người bị hành quyết một cách dã man. Giới truyền thông đưa tin, nhằm đáp trả chiến thắng của phe nổi dậy ở Saraqeb, quân chính phủ đang tăng cường các cuộc không kích nhằm vào những thành trì của lực lượng đối lập.

Trong một diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ yêu cầu NATO bố trí tên lửa Patriot trên lãnh thổ nước này để đối phó với tình trạng căng thẳng gia tăng ở biên giới với Syria.

Ngày 1/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov khẳng định, những thông tin nói rằng quân đội Chính phủ Syria tan rã là do bị thổi phồng. Ông Anatoly Serdyukov cho rằng, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không bỏ cuộc bởi điều đó đồng nghĩa với tự sát.

Trước đó (31/10), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khuyến cáo, việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 19 tháng qua ở Syria mà chỉ làm cho bạo lực leo thang. Ông Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh, việc ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad không quan trọng bằng việc ưu tiên chấm dứt bạo lực tại Syria.

Cho tới nay, Liên hợp quốc, Nga, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng ở Syria, trong đó ưu tiên hàng đầu là chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập.

Tân Hồng - Tiên Du
.
.
.