Câu chuyện quốc tế:

Kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc - Nơi thu hẹp khoảng cách và sự hiểu lầm

Thứ Bảy, 28/09/2013, 08:58
Gần một tuần sau khi khai mạc, kỳ họp thứ 68 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) luôn hối hả với hàng loạt cuộc gặp gỡ, thảo luận xung quanh các vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu đến từ 193 quốc gia thành viên. Đáng chú ý là dù có những quan điểm trái ngược nhau, song lần này, các quốc gia luôn dành thời gian để tìm hiểu và tỏ thiện chí xích lại gần nhau nhằm mục đích tạo nên sự đoàn kết chung và xây dựng lòng tin để bảo vệ và giữ gìn an ninh chung trên toàn thế giới.

Các nhà phân tích nhận định rằng, một trong những thành công lớn của kỳ họp chính là sự nhất trí của cả Nga và Mỹ về một dự thảo xung quanh vấn đề Syria, đòi hỏi chính quyền Damascus phải từ bỏ kho vũ khí hóa học của mình nhưng không có những đe dọa can thiệp quân sự nếu biện pháp ngoại giao thất bại. Để đạt được thỏa thuận này, đại diện Nga, Mỹ và các nước khác đã có hàng tuần tranh cãi liên tục trong các cuộc gặp song phương, đa phương và cả cuộc gặp bên lề đại hội đồng.

Từ dự thảo nghị quyết quan trọng này, Đại hội đồng LHQ sẽ có cuộc họp bàn về vấn đề Syria để từ đó gợi mở hướng giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 năm ở quốc gia Trung Đông này. Và trong khi tín hiệu lạc quan về vấn đề Syria vừa được hé mở thì một tin vui lại đến khi báo chí đăng tải toàn bộ cuộc gặp gỡ cấp cao lần đầu tiên giữa Iran-Mỹ kể từ năm 1979 đến nay.

Cuộc gặp Mỹ - Iran dưới sự chủ trì của Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton và sự tham gia của Ngoại trưởng nhóm P5+1 đã tạo bước ngoặt cho các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.

Diễn ra tối 26/9 dưới sự chủ trì của Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, hội đàm hạt nhân giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Javal Zarif cùng với sự tham dự của Ngoại trưởng nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) dường như đã trở thành một cuộc nói chuyện cởi mở, chân tình khi cả hai bên đều thống nhất tìm ra một biện pháp rõ ràng để trả lời những câu hỏi mà nhiều người đặt ra về chương trình hạt nhân của Iran. Một quan chức ngoại giao của Mỹ cho biết, trong cuộc gặp kéo dài 30 phút này, Ngoại trưởng Iran Javal Zarif đã có bài phát biểu sâu sắc, trình bày những lợi ích của Iran và việc nước này muốn đạt một thỏa thuận và thực thi đầy đủ thỏa thuận trong vòng một năm.

Trước đó, tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bày tỏ mong muốn rằng, muốn đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này trong vòng 3-6 tháng. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói: “Chúng tôi (tức Mỹ và Iran – PV) đã có một cuộc gặp mang tính chất xây dựng”.

Hãng AFP cho hay, hình ảnh Ngoại trưởng Mỹ đứng cạnh Ngoại trưởng Iran và bắt tay đã được đông đảo báo giới quan tâm và đưa tin, gọi đây là “dấu hiệu tan băng” và mở ra một bước ngoặt mới cho cuộc đàm phán hạt nhân Iran có những lúc tưởng chừng như bế tắc. Dẫn lời bà Catherine Ashton, hãng AFP cho biết, cuộc đàm phán giữa các cường quốc thế giới với Iran sẽ diễn ra vào ngày 15 và 16 - 10 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tiến bước trước trong việc đập tan tảng băng quan hệ với Mỹ, chính quyền mới ở Iran một lần nữa lại thể hiện thiện chí của mình khi lên án nạn diệt chủng người Do Thái. Phải nói rằng, bài phát biểu của tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani tại Đại hội đồng LHQ hôm 24/9 trong đó nhấn mạnh rằng, nạn diệt chủng người Do Thái là “đáng trách và đáng bị lên án” đã gây ngạc nhiên và cũng tạo nên một cái nhìn mới mẻ hơn của thế giới về Iran – một quốc gia nổi tiếng với phong cách cứng rắn.

Nói thế là bởi lẽ trong các bài phát biểu trước đây tại LHQ, người tiền nhiệm của ông Hassan Rowhani, cựu Tổng thống Mohamoud Ahmadinejad thường có những lời chỉ trích khá nặng nề nhằm vào Israel, thậm chí bày tỏ sự hoài nghi về nạn diệt chủng người Do Thái. Trong lần xuất hiện đầu tiên tại Đại hội đồng LHQ lần này, Tổng thống Hassan Rowhani cũng có gián tiếp chỉ trích sự hình thành nhà nước Israel theo cách xâm chiếm đất đai của người Palestine nhưng với một giọng điệu ôn hòa và nhẹ nhành hơn.

Vì thế, giới quan sát mới đánh giá đây là một sự thay đổi lớn của chính quyền Tehran, hứa hẹn những thuận lợi mới trong việc giải quyết các vấn đề vốn gây tranh cãi trên các bàn hội nghị trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong những tín hiệu vui của kỳ họp lần này, còn có một số sự kiện tạo nên sự bất bình trong dư luận. Đó là việc Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili lợi dụng bài phát biểu tại Đại hội đồng của mình để chỉ trích chính quyền Nga và chính sách của nước này tại các nước thuộc khối SNG. Nếu đó là sự chỉ trích đúng thì sẽ không có chuyện phái đoàn Nga phải bỏ ra ngoài hay nhiều đại biểu các nước lên tiếng la ó.

Điều này cho thấy, dù có quyền phát biểu nhưng nếu phát biểu được đưa ra dựa trên “tư tưởng bài Nga” thì những lời nói của một vị Tổng thống như ông Mikhail Saakashvili cũng trở nên lố bịch và không chấp nhận được. LHQ là một tổ chức hội tụ các quốc gia, gây dựng sự đoàn kết của toàn thế giới và sẽ không bao giờ chấp nhận những tư tưởng cực đoan cùng những hành động mang tính chất áp đặt, can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác

Huyền Chi
.
.
.