Kỳ 2: Những cáo buộc đối với vợ và các con của ông Sarkozy

Thứ Tư, 16/05/2012, 14:34
Trong khi ông Nicolas Sarkozy phủ nhận việc nhận tiền quyên tặng của bà Liliane Bettencourt thì tờ Daily Mail của Anh đưa tin, Quỹ từ thiện Sarkozy-Bruni của bà Carla Bruni đã nhận tiền của nữ tỷ phú này hồi tháng 9/2009.
>> Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy "hạ cánh chưa an toàn"?

Cựu Đệ nhất phu nhân Carla Bruni cũng đang phải đối mặt với vụ bê bối được mệnh danh Carlagate. Bởi bà Carla Bruni đã phung phí tiền của một Quỹ từ thiện quốc tế chuyên đấu tranh chống bệnh AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét - đã chuyển 3,5 triệu USD vào tài khoản của một tổ chức tư nhân ở Pháp do bà Carla Bruni quản lý.

Việc chiều vợ của ông Nicolas Sarkozy cũng bị dư luận chỉ trích khi chi hơn 100.000 USD để lắp lò nướng bánh hiện đại nhất trên chiếc chuyên cơ Air France One trong bối cảnh Pháp đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính. Chiếc chuyên cơ của ông Nicolas Sarkozy từng được báo chí Pháp đặt biệt danh Air Sarko One. Ông Nicolas Sarkozy khiến cử tri choáng váng vì mức độ chơi sang khi chi gần 370.000 USD để xây một phòng tắm tạm thời tại tòa nhà Grand Palais có mái vòm bằng kính khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 7/2008.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và vợ từng khiến người dân Pháp tức giận vì tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần xa hoa ở Mexico trong thời điểm kinh tế khó khăn - thuê với giá khoảng 2.900 USD/đêm và nếu tính cả chi phí cho an ninh và nhân viên sẽ là 62.000 USD/đêm. Ông Nicolas Sarkozy cũng được yêu cầu giảm chi phí mua hoa sau khi kết quả kiểm tra chi tiêu cho thấy, điện Elysee chi tới 694 Euro/ngày để mua hoa bởi bà Carla Bruni rất thích hoa.

Ông Nicolas Sarkozy từng nổi khùng khi tờ The Telegraph của Anh giới thiệu cuốn tiểu sử "Ngài Tổng thống, các bối cảnh từ đời sống chính trị 2005-2011" của nhà báo Franz-Olivier Giesbert, chủ bút tạp chí Le Point, người từng viết tiểu sử cho các cựu Tổng thống như Francois Mitterrand và Jacques Chirac bởi nói xấu bà Carla Bruni.

Ông Nicolas Sarkozy và bà Carla Bruni.

Theo số liệu của cơ quan điều tra Institut Harris Interactive cho thấy, bà Carla Bruni đứng đầu danh sách những người gây nhàm chán nhất tại Pháp cho dù sở hữu nhan sắc, tiền tài và địa vị hơn người. Dinh Tổng thống từng đau đầu về cuốn tiểu sử "Carla Bruni - Một cuộc đời bí mật", được chính thức phát hành ngày 15/9/2010 của cựu nhà báo Pháp Besma Lahouri bởi "đã vẽ một bức tranh không đẹp về cuộc sống hiện nay của cựu siêu người mẫu Italia".

Cố vấn Pierre Charon từng nói với tác giả cuốn sách rằng, bà Carla Bruni cảnh báo - thiên hạ sẽ nói nhiều chuyện về tôi, về cuộc sống trước đây của tôi, nhiều bức ảnh về tôi sẽ được tung ra, do đó phải giúp tạo ra một hình ảnh mới về bà. Trong album Comme si de Rien N'etait của mình, bà Carla Bruni từng tuyên bố "có 30 bạn trai" và sau có đính chính rằng "đó chỉ là lời bài hát, không phải thông tin chính xác bởi chỉ có khoảng 15 bạn trai".

Cả đoàn làm phim "Paris in Midnight" từng đứng tim khi ông Nicolas Sarkozy nổi giận ra lệnh cấm quay tiếp khi nhìn thấy vợ tình tứ với bạn diễn trước ống kính máy quay. Ông Nicolas Sarkozy đã dằn mặt người dẫn chương trình phát thanh nổi tiếng Marc Fogiel của đài Europe 1 vì dám làm khó bà Carla Bruni trong một cuộc phỏng vấn.

Quan hệ giữa Iran và Pháp từng xấu đi sau khi giới truyền thông nhà nước Iran gọi bà Carla Bruni là "gái điếm" sau khi vợ ông Nicolas Sarkozy lên án quyết định của Iran ném đá cho đến chết một phụ nữ vì tội ngoại tình.

Cách đây không lâu, cậu út của ông Nicolas Sarkozy là Louis Sarkozy, 15 tuổi, cùng hai người bạn đã ném cà chua, sỏi và nhiều thứ khác bay qua cổng điện Elysee vào một nữ cảnh sát đang đứng gác bên ngoài dinh Tổng thống. Mặc dù nữ cảnh sát khẳng định không kiện nhưng ông Nicolas Sarkozy vẫn gặp riêng để xin lỗi nhằm tránh ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử.

Dư luận đã đặt câu hỏi về tính kỷ luật của ông Nicolas Sarkozy dạy con, bởi gần đây xảy ra khá nhiều tai tiếng liên quan đến các cậu ấm. Ông Nicolas Sarkozy từng chi 28.000 Euro (tháng 4/2012) để đưa cậu trưởng Pierre Sarkozy, 26 tuổi, từ thành phố Odessa, Ukraine về nước vì bị đau bụng do ngộ độc thực phẩm. 5 năm trước, ông Nicolas Sarkozy từng bị cho là đã chạy tội cho cậu ấm Jean Sarkozy trong vụ đâm xe và bỏ chạy.

Ngày 4/12/2007, Tòa án Paris đã mở phiên tòa xét xử Jean Sarkozy về vụ vi phạm luật lệ giao thông xảy ra hôm 14/10/2005 - phóng môtô với tốc độ lớn trên Quảng trường Concorde ở trung tâm Thủ đô Paris và do không làm chủ được tay lái nên đã đâm vào xe hơi của ông Mohamed Bellouti. Tuy nhớ số xe của Jean Sarkozy và đến đồn cảnh sát để khai báo và khiếu nại, nhưng họ không dám mở cuộc điều tra bởi biết đấy là con trai của Bộ trưởng Nội vụ.

Sau khi gửi liên tiếp 5 bức thư cho Jean Sarkozy đề nghị giải quyết theo kiểu nội bộ, nhưng không có hồi âm nên ông Mohamed Bellouti đã quyết định làm to chuyện. Jean Sarkozy cũng từng là tâm điểm chú ý của dư luận khi cố gắng trở thành người đứng đầu La Defense, một quận giàu có và sầm uất ở phía Tây Thủ đô Paris.

Mới 21 tuổi, nhưng Jean Sarkozy đã được bầu làm lãnh đạo nhóm thành viên đảng UMP tại Hội đồng quận Hauts de Siene, ngoại ô Paris. Việc Jean Sarkozy được đề cử làm Chủ tịch Ban Quản trị Ủy ban Nhà nước một quận đã làm bùng lên làn sóng phẫn nộ trong chính giới Pháp khi cho rằng: "Ông Nicolas Sarkozy có mưu toan gia đình trị".

Và ngày 13/1/2010, ông Nicolas Sarkozy chính thức lên chức ông nội khi Jessica Sebaoun, người thừa kế của một tập đoàn điện tử lớn của Pháp mang tên Darty hồi tháng 9/2008, vợ của Jean Sarkozy sinh hạ một bé trai kháu khỉnh. Có tới 64% cử tri Pháp không tán thành đối với ông Nicolas Sarkozy và kết quả khảo sát này đã tác động không nhỏ tới tỷ lệ ủng hộ ông tại 2 cuộc bầu cử vừa qua

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.