Kịch tính "vở diễn nợ công" còn ở phía trước

Thứ Hai, 21/10/2013, 08:54
Những ngày cuối cùng của tháng 9 và đầu tháng 10/2013, thế giới chứng kiến câu chuyện có một không hai trên thế giới: Bắt đầu từ ngày 1/10, Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa hoạt động của nhiều cơ quan nhà nước và tính đến ngày 17/10 đã phải chịu thiệt hại tới gần 24 tỷ USD. Nghiêm trọng hơn, nếu đến ngày 17/10 mà Quốc hội Mỹ không tìm được tiếng nói chung để nâng mức trần nợ công đã lên tới 17,6 ngàn tỷ USD, thì nước Mỹ sẽ vỡ nợ.
>>Khủng hoảng nợ công hiểm họa không nhằm vào riêng ai

Cuộc chiến ngân sách

Từ thế kỷ XIX, theo luật pháp của nước Mỹ, mỗi một điều khoản trong Dự luật ngân sách cần phải được Quốc hội thông qua để sau đó Tổng thống Mỹ ký thành luật. Như vậy, Chính phủ Mỹ không được phép chi tiêu bất cứ một khoản tiền nào bên ngoài khuôn khổ Dự luật ngân sách liên bang. Do đó, một khi Dự luận này không được lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ thông qua, các cơ quan của Chính phủ Mỹ phải đóng cửa kể từ ngày 1/10 hằng năm - mốc thời hạn chót ngân sách này được cả hai Viện của Quốc hội Mỹ chấp nhận.

Trong lịch sử nước Mỹ đã nhiều lần diễn ra "cuộc chiến ngân sách" trong Quốc hội và lần gần đây nhất là vào giữa tháng 8/2011, trong đó nước Mỹ từng đứng trên bờ vực vỡ nợ. Mười hai tiếng trước thời hạn chót, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt thỏa thuận cho phép nâng trần nợ công lên thêm 2,5 ngàn tỷ USD với điều kiện Tổng thống Barack Obama phải cam kết cắt giảm 2 ngàn tỷ USD chi tiêu của Chính phủ Mỹ. Thỏa thuận này chỉ kéo dài thêm tình hình được hai năm.

Tháng 10/2013, nước Mỹ lại một lần nữa đứng trước nguy cơ vỡ nợ do Quốc hội Mỹ không thông qua được ngân sách chi tiêu liên bang cho năm tài chính 2014 do mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Quốc hội với Tổng thống và giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về các điều khoản chi tiêu của Chính phủ cũng như các cuộc tranh cãi căng thẳng về việc nâng mức trần nợ công thêm một lần nữa.

Tuy nhiên, tới giờ chót của ngày 16/10, lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã thống nhất được phương án tạm nâng mức trần nợ công lên 17 ngàn tỷ USD, đồng ý cấp ngân sách cho Chính phủ hoạt động trở lại và gia hạn quyền vay tiền trả nợ cho Bộ Tài chính. Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành dự luật chi tiêu ngân sách, chấm dứt tình trạng đóng cửa kéo dài hơn 2 tuần của Chính phủ liên bang.

Phát biểu trước các nhà báo đêm 16/10 sau khi ký phê chuẩn Dự luật chi tiêu ngân sách trong năm tài chính 2014, Tổng thống Barack Obama thừa nhận rằng, "cuộc chiến ngân sách" này đã khiến cộng đồng quốc tế giảm niềm tin vào Mỹ-quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tối 16/10, Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách tạm thời đến ngày 7/2/2014 và gia hạn quyền vay nợ đến ngày 15/1/2014 với 81 phiếu ủng hộ và 18 phiếu chống.

Kịch tính "vở diễn nợ công" còn ở phía trước

Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện nợ công của nước Mỹ chỉ là "vở diễn" mà người viết kịch bản là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED (Federal Reserve System) - nơi nắm trong tay quyền phát hành đồng USD. FED là ngân hàng trung ương của Mỹ nhưng thực chất là một tổ chức tư nhân, được tư nhân hóa từ năm 2012 và bắt đầu hoạt động năm 1915 theo Đạo luật dự trữ Liên bang của Quốc hội Hoa Kỳ được thông qua cuối năm 1913.

FED là nơi quản lý cỗ máy in tiền USD để phát hành trên lãnh thổ Mỹ và trên khắp thế giới. Thông qua một cơ chế cực kỳ phức tạp, đồng USD được FED phát hành và mang về siêu lợi nhuận cho các tập đoàn tài phiệt ở Mỹ. Do sở hữu độc quyền phát hành đồng USD, nước Mỹ có được quyền có một không hai trên thế giới trong việc phát hành đồng USD và lấy đó làm công cụ có sức mạnh siêu phàm trong chính sách đối nội và đối ngoại. Cũng chính vì có được quyền chi tiêu đặc biệt này, Chính phủ Mỹ đã từng bước lâm vào "bẫy nợ công" và không dễ gì thoát ra được.

Theo con số chính thức của Mỹ, nợ công ở mức 17 ngàn tỷ USD (chiếm 105% GDP). Nhưng nếu tính cả các khoản nợ thị trường (market debts) và nợ hợp đồng (contract debts)…, thì tổng nợ quốc gia Mỹ lên tới gần 41 ngàn tỷ USD (chiếm 250% GDP) vào giữa năm 2013. Theo một tài liệu nghiên cứu khác, tổng nợ quốc gia Mỹ đã lên tới 70 ngàn tỷ USD (chiếm 440% GDP).

Nếu tính cả các trách nhiệm bảo đảm xã hội (social liabilities) mà Chính phủ Mỹ phải thực hiện, thì tổng nợ quốc gia của Mỹ lên tới 220 ngàn tỷ USD (tính tới năm 2011). Thêm vào đó, nguồn thu chủ yếu trong GDP của Mỹ từ các dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ tài chính (kinh tế ảo), chiếm tới 60% GDP, chứ không phải từ sản xuất thực.

Một khi vị thế đồng USD ngày một suy giảm mạnh, kinh tế Mỹ sẽ lâm vào quá trình suy thoái lâu dài. Để thoát khỏi khủng hoảng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thực hiện chiến lược tái công nghiệp hóa nước Mỹ trong thời gian ít nhất là một thập niên. 

Trong khi đó, giới tinh hoa chính trị ở Mỹ chưa đưa ra được bất kỳ sáng kiến chiến lược nào nhằm khắc phục tình trạng này, trước hết là khắc phục thâm hụt ngân sách, nợ công và nạn thất nghiệp (theo một số số liệu, thất nghiệp ở Mỹ không phải là 7-8% mà là 15%). Nếu tính GDP sản xuất thực, Mỹ đã tụt hậu rất xa so với Trung Quốc.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của Mỹ là nền kinh tế thế giới dựa trên đồng USD của Mỹ trong hơn 1 thế kỷ nay. Năm 1944, Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc được tổ chức tại khách sạn "Mount Washington" ở thành phố Bretton Woods, bang New Hampshir của nước Mỹ để bàn về chủ đề trao đổi tiền tệ trên phạm vi toàn thế giới và tài chính quốc tế.

Tại hội nghị này, các nước ký Hiệp định thành lập hệ thống tiền tệ quốc tế dựa trên cơ sở USD được bảo đảm bằng vàng, còn được gọi là Hệ thống Bretton Woods. Như vậy, theo hệ thống này, đồng USD được bảo đảm bằng vàng làm đồng tiền dự trữ quốc tế và 1 ounce (31,1 gam) vàng có giá tương đương 35 USD.

Tới đầu những năm 1970, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hậu quả của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, nền kinh tế của nước Mỹ chìm đắm trong nợ nần đã không còn tương xứng với vị thế của quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới.

Để thoát khỏi tình cảnh này, ngày 15/8/1971 Tổng thống Mỹ Risart Nixon tuyên bố một quyết định gây chấn động toàn bộ nền kinh tế thế giới, theo đó Mỹ chính thức bãi bỏ khả năng chuyển đổi đồng USD thành vàng trên phạm vi toàn cầu. Với quyết định này, Mỹ chính thức chấm dứt hiệu lực Hệ thống Bretton Woods và từ năm 1971, USD không còn được được bảo đảm mệnh giá bằng vàng.

Bắt đầu từ năm 1972, đồng USD chuyển sang được bảo đảm bằng dầu mỏ. Đến năm 1975, tất cả các thành viên thuộc Tổ chức các nước khai thác dầu mỏ OPEC (Organization of the Petroleum Exporting Countries) đã ký hợp đồng với Mỹ, theo đó các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ được thanh toán bằng USD.

Từ năm 1964, gia tăng đột biến nhu cầu về đồng USD của Mỹ cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Cũng chính vì thế, Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng một cách "ngoạn mục", còn Mỹ có quyền hiện diện quân sự tại nhiều nước trên thế giới mà ở đó có khai thác và xuất khẩu dầu mỏ như Iraq, Oman, Qatar, Arabia Saudi, Egypt, Yemen...

Hệ thống USD được bảo đảm bằng dầu mỏ là một giải pháp đem lại 3 ưu thế cho Mỹ: tăng nhu cầu USD trên thị trường thế giới; tăng nhu cầu về ngân phiếu và trái phiếu Chính phủ của Mỹ trên thị trường thế giới; tạo cho Mỹ khả năng nhập khẩu dầu mỏ và hàng tiêu dùng bằng đồng tiền mà họ có thể in ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ khối lượng nào.

Cũng từ đây, Mỹ có khả năng sử dụng đồng USD được bảo đảm bằng dầu mỏ để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và chạy đua vũ trang, làm gia tăng giá trị của đồng tiền Mỹ trên thị trường thế giới. Chính vì vậy việc duy trì đồng USD trên thị trường thế giới là điều kiện quan trọng sống còn đối với nền kinh tế Mỹ.

Hiện nay, nhiều nước đã và đang muốn rút khỏi hệ thống USD được bảo đảm bằng dầu mỏ như Iran, Libya dưới thời Muammar Gaddafi, Syria, Venezuela, CHDCND Triều Tiên v.v... Những nước này do vị thế yếu kém cả kinh tế lẫn quân sự nên bị Washington liệt vào danh sách "trục ma quỷ".

Ngoài ra, còn có các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác quyết định sử dụng đồng tiền quốc gia để thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ. Trên thực tế, nhiều nước không chỉ từ bỏ cơ chế thanh toán các hợp đồng mua bán dầu mỏ bằng đồng USD mà còn từng bước chia tay với vai trò của đồng USD như là một đồng tiền duy nhất có khả năng chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu.

Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay chỉ là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều, nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là cuộc khủng hoảng hệ thống kinh tế thế giới dựa trên cơ sở đồng USD của Mỹ. Nhận định về cuộc khủng hoảng này, Paul Craig Roberts, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng viết: "Tình hình cuộc khủng hoảng hiện nay là cực kỳ nguy hiểm mà thế giới chưa bao giờ được chứng kiến. Hiện nay toàn bộ hệ thống tài chính thế giới rơi vào bất ổn và nếu FED mất quyền kiểm soát thì sự sụp đổ mang tính toàn cầu sẽ xảy ra, trong đó không một ai và không ở đâu được an toàn. Không một chính sách kinh tế nào có thể đưa ra được giải pháp thoát hiểm".

Do đó, cuộc khủng hoảng hiện nay không đơn thuần là khủng hoảng nợ công, hay cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế mà là khủng hoảng toàn bộ hệ thống thế giới dựa trên cơ sở đồng USD. Trong đó, nhiều nước đạt được các thỏa thuận giữa nhằm thoát khỏi vai trò của USD và bắt đầu chuyển sang một hệ thống thanh toán đa dạng hơn, đa phương hơn, trong đó nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Australia, Nam Phi, Iran… quyết định từ nay sẽ thanh toán các hợp đồng thương mại bằng đồng tiền nội tệ mà không qua vai trò trung gian của USD như trong suốt gần một thế kỷ nay. Đây là dấu hiệu cảnh báo kỷ nguyên hoàng hôn của USD trong tương lai

L.T.M.
.
.
.