Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Kịch bản Grexit sắp diễn ra?

Thứ Hai, 13/07/2015, 08:08
Trong khi các cuộc đàm phán về gói cứu trợ mới đối với Hy Lạp rơi vào tình trạng bế tắc thì Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã gây bất ngờ với việc gợi ý để Hy Lạp tạm rời Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), gọi là Grexit, trong một khoảng thời gian nhưng vẫn duy trì với tư cách là thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Gợi ý này đã nhận được sự ủng hộ của 6 nước khác, gồm Hà Lan, Phần Lan, Estonia, Litva, Slovakia và Slovenia. Tuy nhiên, lại không nhận được sự đồng tình từ phía Hy Lạp và Italy.

Gợi ý trên của ông Schauble nằm trong kế hoạch 2 điểm mà ông mới đưa ra sau khi cho rằng, những đề xuất của Hy Lạp vẫn thiếu những cải cách quan trọng và do vậy không thể đảm bảo cho gói cứu trợ thứ ba cho nước này. 

Theo đó, kế hoạch Grexit tạm thời sẽ diễn ra trong ít nhất năm năm tới và trong thời gian này có thể tiến hành tái cơ cấu nợ theo thể thức như một Câu lạc bộ Paris. Ngoài ra, theo phương án này, Athens cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ về nhân đạo, kỹ thuật và kinh tế từ EU.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã gây bất ngờ với việc gợi ý để Hy Lạp tạm rời Eurozone. Ảnh: N-TV.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Schauble cũng cho rằng, giới chức Hy Lạp cần cải thiện các đề xuất của họ một cách “nhanh chóng và đáng kể” với sự ủng hộ của Quốc hội nước này, trong đó cần chuyển các tài sản có giá trị 50 tỷ euro cho một quỹ độc lập, như Viện Tăng trưởng Luxemburg để dần tư nhân hóa và giảm nợ; tự động cắt giảm chi tiêu nếu không thể đạt mục tiêu về giữ mức thâm hụt ngân sách; xây dựng khả năng và phi chính trị các công việc hành chính.

Phản ứng trước việc này, phía Hy Lạp cho rằng, những đòi hỏi mới của Đức mang tính xúc phạm Hy Lạp và nhằm mục đích hạ bệ chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras. Đồng tình với Hy Lạp, Thủ tướng Italy Matteo Renzi nhấn mạnh rằng, Hy Lạp không được phép rời khỏi Eurozone, đồng thời cho biết sẽ khuyến cáo Chính phủ Đức nên chấp nhận đề xuất của Hy Lạp và không được làm Athens “bẽ mặt”.

Thủ tướng Renzi nêu rõ: “Italy không muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone, và tôi muốn khuyến cáo Đức rằng: Như vậy là quá đủ rồi. Thủ tướng Hy Lạp đã trình các đề xuất phù hợp với những yêu sách của châu Âu, do đó chúng ta cần ký một thỏa thuận. Việc làm bẽ mặt một đối tác châu Âu sau khi Hy Lạp tuyên bố từ bỏ gần như mọi thứ là điều không thể tưởng tượng nổi”.

Trong khi đó, thông qua mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 12/7 thông báo “đã hủy EUCO (Hội nghị Thượng đỉnh EU) dự kiến diễn ra cùng ngày, đồng thời cho biết hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo 19 nước thành viên Eurozone sẽ bắt đầu vào lúc 14h (theo giờ GMT- tức 21h theo giờ Việt Nam) ngày 12/7 và việc này “sẽ kéo dài đến khi nào chúng tôi kết thúc thảo luận về Hy Lạp”.

Cùng ngày, Ủy viên EU phụ trách đồng euro Valdis Dombrovskis nói với báo giới rằng “sẽ gần như không có khả năng Ủy ban châu Âu được ủy quyền bắt đầu cuộc đàm phán chính thức” về một khoản cứu trợ mới dành cho Hy Lạp.

Trước đó, một số nước thuộc Eurozone cũng đã lên tiếng từ chối giải cứu Hy Lạp bằng Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu (ESM). Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb nêu rõ: “Tôi không tin chúng tôi sẽ cho Hy Lạp vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào”. 

Còn Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem thì cho biết: “Tình hình đang rất khó khăn. Vấn đề lớn ở đây là niềm tin. Liệu chúng ta có thể tin rằng chính phủ Hy Lạp sẽ làm những gì họ đã hứa, sẽ thực thi những chính sách mà họ đưa ra trong thời gian tới?”.

Trong bối cảnh đó, Pháp vẫn là đồng minh có ảnh hưởng nhất của Hy Lạp, khi nước này đã có những động thái ngoại giao nhằm thuyết phục các nước yếu hơn trong khu vực cung cấp thêm ngân sách để cứu Hy Lạp. Những nỗ lực này dường như giờ đây đã trở nên vô hiệu. Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin khen ngợi chính phủ Hy Lạp đã “dũng cảm” khi chấp thuận một phần điều kiện: “Giờ đây chúng ta cần phải có niềm tin, cần phải chắc chắn rằng những gì được chính phủ Hy Lạp công bố là những gì họ sẽ thực hiện”.

Rõ ràng, kịch bản Grexit chắc chắn là điều không mong muốn với cả châu Âu và Hy Lạp. Theo đó, cả hai bên cần đưa ra những nhượng bộ nhất định để khai thông bế tắc. Về phía Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras đã đề xuất nhiều biện pháp khắc khổ mà chính ông đã khăng khăng từ chối trước đó. Sự nhượng bộ này được các quan chức hàng đầu châu Âu nhận định là “thể hiện thành ý của Athens không muốn rời khỏi Eurozone”. Không những thế, sự nhượng bộ này còn mở ra một lối thoát cho châu Âu trong việc đảm bảo sự toàn vẹn của khối.

Về phía châu Âu thì sao? Cho tới nay, họ vẫn trì hoãn quyết định cứu trợ đối với xứ sở thần thoại. Giới chuyên gia nhận định, sự ra đi của Hy Lạp sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín, sự đoàn kết của một liên minh tiền tệ vốn được mệnh danh bền chặt và hiệu quả nhất thế giới.

Khổng Hà
.
.
.