Iran gửi thư cho EU: Sự “cầu thị” hay kế hòa hoãn?

Chủ Nhật, 19/02/2012, 11:24
Trong cuộc họp báo ở Washington D.C hôm 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đã bày tỏ sự lạc quan về việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Nguyên do là bởi vài ngày sau khi tuyên bố chính thức làm giàu uranium ở cấp độ 20% và trang bị thêm 3.000 máy ly tâm mới, Iran đã gửi thư đề nghị nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi.
>> Ý chí quyết chiến và lực lượng hùng hậu của quân đội Iran

Trong bức thư gửi Cao ủy đối ngoại EU, Iran còn khẳng định rằng sẵn sàng tham gia các cuộc đối thoại với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Ngoại trưởng Hillary Clinton nói: “Chúng tôi nghĩ, đây là bước đi quan trọng và chúng tôi rất hoan nghênh nội dung bức thư này”. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định, các cường quốc sẽ xem xét thái độ hợp tác cũng như những đề xuất từ phía chính quyền Tehran.

Tuy nhiên, bà Hillary Clinton vẫn khẳng định rằng, các quốc gia phương Tây chỉ có thể “tiến bước” nếu họ thấy một sự “cầu thị thực sự” từ phía Iran. Còn Cao ủy đối ngoại EU Catherine Ashton, người đang giữ vai trò đại diện cho nhóm P5+1 liên lạc với Iran cho biết, lá thư đã bày tỏ khả năng về cuộc đàm phán mới.

Hôm 16/2, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Iran vừa bổ sung thêm 3.000 máy ly tâm đồng thời khánh thành 3 dự án hạt nhân mới. Ảnh: AP.

Hãng Reuters thì đưa tin, trong bức thư Iran gửi cho bà Catherine Ashton, Tehran còn tiết lộ có thể sẽ đưa ra một số sáng kiến mới để thúc đẩy quá trình đàm phán. Bức thư này được cho là lời phúc đáp của Iran sau khi Cao ủy đối ngoại EU gửi cho Ngoại trưởng Iran một bức thư hồi tháng 10, trong đó đề xuất về việc đàm phán hạt nhân.

Nhìn chung, phản ứng của dư luận quốc tế là hoan nghênh những nỗ lực đàm phán trong vấn đề hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe còn nhấn mạnh, chuyến thăm Iran của đoàn quan chức cấp cao đến từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào ngày 20 và 21 tháng 2 tới sẽ giúp các quốc gia khác đưa ra quyết định rằng liệu Tehran “có nguy hiểm” như những lo ngại của quốc tế hay không.

Đoàn thanh sát IAEA đến Iran lần này còn có nhiệm vụ kiểm tra lại những giải thích của Iran sau 3 năm xuất hiện thông tin từ một điều tra viên IAEA về việc Tehran đã có đủ nguyên liệu để sản xuất bom hạt nhân. Theo báo cáo mà IAEA đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, nghi ngờ chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ và EU đã sử dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm gây sức ép với quốc gia này. Thậm chí, EU còn thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu lửa của Iran – quốc gia xuất khẩu dầu lửa lớn thứ 5 thế giới. Và với lệnh này, từ tháng 7 năm nay, ngành dầu lửa của Iran đã bị nhiều sức ép.

Đó là chưa kể đến những biện pháp phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng và cấm nhập cảnh đối với giới chức và tổ chức tình báo, quân đội Iran. Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh thân cận vẫn chưa từ bỏ quan điểm về việc Iran tìm kiếm khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, bất chấp những tuyên bố bác bỏ của quốc gia này. Nhưng dẫu có làm “căng” vấn đề Iran, như nhiều nhà quan sát nhận định, Mỹ cũng chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến chống lại quốc gia Hồi giáo này.

Thông tin về việc Lầu Năm Góc và Israel lên kế hoạch tấn công Iran, thực chất là để đe dọa và kiềm chế khả năng tiếp tục mở rộng, phát triển chương trình hạt nhân của Iran. Ngay cả Anh, đồng minh thân cận của Mỹ cũng thừa nhận, vấn đề hạt nhân Iran, nếu không xử lý kịp thời và khéo léo, có thể dẫn tới một cuộc chiến đẫm máu ở Trung Đông

Sông Thương
.
.
.