Indonesia giới thiệu dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

Thứ Hai, 01/10/2012, 09:21
Ngày 29/9, tức một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố, các máy bay do thám không người lái của Trung Quốc có thể bị bắn hạ nếu bay vào vùng tranh chấp giữa hai nước tại Biển Đông, Indonesia đã cho lưu hành trong nội bộ ASEAN bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để tham khảo ý kiến của các quốc gia thành viên. Hành động này cho thấy quyết tâm của các nước ASEAN về việc đạt được đàm phán COC với Trung Quốc vào tháng 11 tới. 
>> Trung Quốc lại cảnh báo Philippines và Nhật Bản về tranh chấp biển đảo

Tin từ tờ Bưu điện Jakarta cho hay, bản dự thảo COC đã được Indonesia trao cho các thành viên ASEAN sau cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) hôm 27/9. Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, đây là lần đầu tiên các Bộ trưởng ASEAN nhận được bản dự thảo COC và họ sẽ tham khảo ý kiến về bản dự thảo này trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 tới.

Ông Marty Natalegawa nói rằng, với tình hình và những diễn biến phức tạp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ASEAN cần phải gia tăng sự đoàn kết và đẩy mạnh quá trình đàm phán COC với Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn hãng AP, Ngoại trưởng Indonesia tiết lộ rằng, trong cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 25/9, hai bên cũng đã nhắc đến vấn đề Biển Đông và thảo luận cách thức để Trung Quốc - ASEAN sớm tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.

Phân tích lợi thế về việc ASEAN và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hồi năm 2003, ông Marty Natalagawa còn khẳng định, giải quyết vấn đề Biển Đông vào thời điểm này là thích hợp nhất. Trong khi đó, hãng Reuters cho hay, trong cuộc họp bền lề Đại hội đồng LHQ hôm 27/9, sau khi nhận được dự thảo COC do Indonesia cung cấp, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã thông qua thỏa thuận 6 điểm về tranh chấp chủ quyền Biển Đông do quốc gia này đề xuất.

Tàu Trung Quốc vào khu vực tranh chấp ở bãi đá ngầm Scarborough/ Hoàng Nham. Ảnh: Reuters.

Thoả thuận này sẽ được đưa vào một thông cáo chung, mà các Ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra được sau cuộc họp thường niên tháng 7 vừa qua ở Phnom Penh. Việc thông qua thỏa thuận nói trên có nghĩa là ASEAN sẽ chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Trung Quốc để bàn về COC. Nhưng hiện giờ các Bộ trưởng ASEAN chưa có kế hoạch gặp phía Trung Quốc để bàn về vấn đề này.

Cùng với Indonesia, Thái Lan cũng đã được các bộ trưởng ASEAN tin tưởng giao nhiệm vụ tổ chức một cuộc họp giữa các quan chức cao cấp ASEAN để thảo luận về COC. Phát biểu tại một sự kiện ở New York (Mỹ), Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhấn mạnh, Thái Lan muốn làm việc này với tư cách là điều phối viên giữa ASEAN và Trung Quốc; là một quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có quan hệ tốt với tất cả các bên liên quan.

Tuy nhấn mạnh là bà không đánh giá thấp thách thức đối với Thái Lan, nhưng Thủ tướng Thái Lan hy vọng là bà có thể "mang một chút nữ tính" vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Giới quan sát nhận định, hướng giải quyết vấn đề Biển Đông mà ASEAN đang theo đuổi là cách thức khôn khéo và thận trọng nhất trong thời điểm hiện nay. Trước bài học "chiến tranh thương mại" giữa Nhật - Trung, các quốc gia ASEAN cũng cần phải gây dựng một chiến lược đấu tranh dựa theo những quy định chung của luật pháp quốc tế và áp dụng nó vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Cái khó của các nước ASEAN hiện nay chính là việc Trung Quốc luôn tìm mọi cách đối thoại, đàm phán song phương với từng quốc gia ASEAN để giải quyết vấn đề Biển Đông chứ không tán động việc đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Thứ nữa là một mặt tiếp tục có hành động khiêu khích Nhật Bản ở biển Hoa Đông, mặt khác, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trái phép tại cái gọi là "khu hành chính Tam Sa".

Mới đây, Trung Quốc còn cho công bố các kế hoạch phát triển 4 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và 1 chương trình xây nhà ở. Các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm xây dựng đường sá, hệ thống cấp thoát nước trên đảo Phú Lâm của Việt Nam... Đáp trả lại những hành động ngang ngược này, ngày 30/9, Philippines cũng đã cho triển khai thêm 800 lính thủy đánh bộ và mở một trụ sở mới nhằm canh gác "các lợi ích" của nước này trên các đảo tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung tướng Philippines Juancho Sabban cho biết, việc triển khai này chỉ là biện pháp bảo vệ chứ không phải là hành động khiêu khích. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Philippines cũng đã cho phép bắn hạ các máy bay không người lái của Trung Quốc nếu chúng bay vào vùng biển đang tranh chấp giữa hai nước, đặc biệt là bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham

Huyền Chi
.
.
.