Hy Lạp thoát hiểm nợ giữa trùng vây

Thứ Hai, 22/06/2015, 08:11
Hiểm họa nợ của Hy Lạp nổi lên ngay sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế ở Mỹ năm 2008 đến nay đã trầm trọng tới mức khiến quốc gia này đứng trước nguy cơ phá sản trong ngày một ngày hai, có thể sẽ phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đe dọa tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Nhìn lại con đường dẫn tới khủng hoảng nợ của Hy Lạp

Kể từ khi gia nhập Eurozone từ giữa năm 2001 đến năm 2008, nghĩa là vào thời điểm bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu từ Mỹ, ngân sách quốc gia của Hy Lạp luôn bị thâm hụt với mức trung bình 5% GDP/năm trong khi con số tương tự trong toàn khu vực Eurozone chỉ ở mức 2%/năm. Ngoài thâm hụt ngân sách, cán cân vãng lai của Hy Lạp cũng liên tục bị thâm hụt với mức trung bình vào khoảng 9% GDP/năm trong khi mức trung bình của toàn Eurozone chỉ là 1%. 

Trong gần một thập kỷ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Hy Lạp đã là “con nợ kinh niên” với tổng số nợ nước ngoài lên tới 115% GDP vào năm 2009. Từ cuối năm 2009, niềm tin của các nhà đầu tư vào chính phủ Hy Lạp bắt đầu bị lung lay khi chính phủ do Thủ tướng George Papandreou lãnh đạo đưa ra con số ước tính thâm hụt ngân sách trong năm 2009 đã lên tới 12,7% GDP, gần gấp đôi con số ước tính lúc đó là 6,7%. Như vậy, cả mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai của Hy Lạp đều vượt quá trần quy định cho phép của Liên minh tiền tệ và kinh tế châu Âu (EMU) và Hiệp ước bình ổn và tăng trưởng của EU với quy định trần thâm hụt ngân sách 3% GDP và trần nợ công 60% GDP.

Để bù đắp khoản thâm hụt kép này, Hy Lạp phải đi vay tiền trên thị trường vốn quốc tế. Đến ngày 23/4/2010, chính phủ Hy Lạp đã phải chính thức kêu gọi hỗ trợ tài chính từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các quốc gia thành viên Eurozone khác. Đổi lại, Hy Lạp cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 11% GDP và sẽ xuống dưới mức quy định 3% của EU vào năm 2013.

Để cứu Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ, trong 2 năm 2008-2009, bộ ba các nhà tài trợ quốc tế, gồm IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và EU đã phải tung ra hai gói hỗ trợ 110 tỷ euro và 142 tỷ vào năm 2010 cho Athens, trong đó đó có 250 tỷ euro được Quỹ ổn định tài chính của châu Âu (FESF) cấp cho Athen dưới hình thức tín dụng.

Tính tới tháng 3/2012, các nhà tài trợ quốc tế đã đồng ý xóa 70% nợ, tức 102 tỷ euro, cho chính quyền Athens với điều kiện chính quyền Athens phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” để từng bước thanh toán nợ.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters.

Cuộc bầu cử Quốc hội định mệnh của Hy Lạp

Cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp trước thời hạn được tổ chức vào ngày 25/1/2015 diễn ra trong bối cảnh GDP năm 2014 của nước này đã giảm sút 25% so với thời điểm của 2010. Tổng nợ công của Hy Lạp lên tới 320 tỷ euro, tương đương 170% GDP. Ngoài ra, có tới 30% dân số trong tuổi lao động không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 65% đối với những người trong độ tuổi 20-30. Lương tháng trung bình của người dân từ 1.500 euro vào năm 2010 nay giảm xuống còn 700 euro, còn lương của công nhân viên chức bị giảm hơn 60%.

Để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri, cương lĩnh tranh cử của Đảng cánh tả Syriza đánh trúng tâm lý của người dân Hy Lạp là sẽ bãi bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng mà quốc gia này đã thi hành 5 năm qua theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy chương trình cứu trợ kinh tế, ngừng việc cắt giảm lương và chi tiêu công, chấm dứt nạn tham nhũng... Đây là những điều mà đa số người dân Hy Lạp đang kiệt sức vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong 5 năm qua, đang phải chịu đựng.

Vì thế, cương lĩnh của Đảng cánh tả Syriza đã đem lại thắng lợi cho đảng Syriza và lãnh đạo đảng này, ông Alexis Tsipras, trở thành Thủ tướng mới của Hy Lạp. Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, một đảng cánh tả lên cầm quyền tại quốc gia này.

Lối thoát hiểm trước sức ép từ nhiều phía

Sau khi trở thành Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras bắt tay ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ rất khó khả thi là yêu cầu EU giảm bớt gánh nặng nợ, đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro mà Athens vay từ bộ 3 chủ nợ là IMF, ECB và EU từ giữa năm 2010. Ngoài khoản nợ phải thanh toán 1,6 tỷ euro trong tháng 6/2015 cho IMF, Hy Lạp còn đối mặt với gần 7 tỷ euro phải thanh toán cho ECB trong tháng 7 và tháng 8/2015. Nếu không hóa giải được những khoản nợ này, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và buộc phải rút khỏi Eurozone. Để thoát khỏi hiểm họa nợ, các bên đều đang chịu sức ép từ nhiều phía.

Một là, sức ép từ khoản nợ đã đến lúc phải thanh toán. Trước thời hạn chót vào ngày 30/6/2015, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải chèo lái chính phủ Athens thanh toán được khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF trong điều kiện ngân khố đã hoàn toàn cạn kiệt.

Hai là, sức ép từ người dân. Để có được số tiền 1,6 tỷ euro để  thanh toán khoản nợ cho IMF vào hạn chót, chính quyền Athens phải cam kết tiếp tục thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và các biện pháp cải cách nền kinh tế đau đớn để được các chủ nợ ra tay cứu giúp. Nếu phải hành động theo yêu cầu của các chủ nợ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải đi ngược lại những cam kết được đưa ra trong cương lĩnh tranh cử. Đây là điều không thể vì khi đó, sự nghiệp chính trị của ông Alexis Tsipras vừa mới khởi đầu sẽ sụp đổ.

Ba là, dù không ai nói ra thành lời, nhưng Thủ tướng Alexis Tsipras đang bị kẹp giữa “hai làn đạn”. Một mặt, ông Alexis Tsipras tuyên bố Hy Lạp phản đối các biện pháp cấm vận Nga do Brussels áp dụng liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine bởi theo ông các biện pháp cấm vận đó gây thiệt hại rất lớn cho chính EU. Mặt khác, ông bị sức ép từ Brussels sẽ tiếp tục cấm vận Nga thêm 6 tháng nữa.

Bốn là, các nước thành viên EU cũng đang bị sức ép chính trị từ hai phía. Một phía từ Washington buộc Brussels tiếp tục cấm vận Nga để buộc Moskva thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Phía khác là nếu không giúp Athens thoát hiểm họa nợ, Hy Lạp sẽ buộc phải rời khỏi Eurozone, thậm chí phải ra khỏi EU-điều mà đa số các thành viên EU không chờ đợi. Ngoài ra, nếu Brussels không thuyết phục được Hy Lạp ủng hộ chủ trương tiếp tục cấm vận Nga thì chủ trương này sẽ không được thực hiện bởi mọi quyết định chính trị của EU đều được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận.

Những sức ép này sẽ được hóa giải tại hội nghị lãnh đạo cao nhất của Eurozone được tổ chức bất thường vào ngày 22/6 sau nhiều cuộc đàm phán đã hoàn toàn thất bại trong gần 6 tháng qua. Dù sao, việc Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone và EU thì hậu quả tài chính, kinh tế và cả chính trị sẽ lớn gấp bội so với khoản vài trăm tỷ euro, tương đương với khoản tiền mà mà Athens đang đòi được xóa nợ

Việc Thủ tướng Alexis Tsipras tới Nga trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này khiến dư luận bàn tới kịch bản Hy Lạp vỡ nợ do không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và đang tìm kiếm các đối tác mới. 

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp là vấn đề đối với toàn châu Âu và EU đang đứng trước lựa chọn đoàn kết với Hy Lạp hoặc là tiếp tục các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc vô ích. Điện Kremlin tuyên bố, Moskva sẽ lắng nghe đề xuất từ Hy Lạp trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào trên cơ sở không chỉ giúp Hy Lạp mà còn là giúp EU thoát khỏi tình thế khó khăn hiện nay bất chấp các biện pháp cấm vận mà Brussels áp dụng chống lại Nga.

Đại tá Lê Thế Mẫu
.
.
.