Hy Lạp phấp phỏng nỗi lo duyệt kế hoạch cải cách mới

Thứ Bảy, 11/07/2015, 10:53
Ngày 10/7, tức 2 ngày trước khi toàn bộ 28 lãnh đạo Liên minh châu Âu nhóm họp để quyết định về một gói cứu trợ thứ 3 nhằm giải cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ phá sản, chính quyền Athens đã gửi tới các chủ nợ những đề xuất cụ thể mới. Trong khi đó, Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên quan điểm Hy Lạp phải đồng thời thực hiện cải cách kinh tế và duy trì kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt.

12 tỷ euro trong 2 năm

Hãng tin AP dẫn lời người đứng đầu nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jeroen Dijsselbloem cho biết, kế hoạch cải cách của Hy Lạp đã được gửi lên Liên minh châu Âu (EU) vào rạng sáng 10/7.

Theo đó, Hy Lạp sẽ áp dụng gói cải cách trị giá 12 tỷ euro trong 2 năm liền, nhiều hơn so với dự kiến trước đó để bù đắp cho tình trạng suy thoái kinh tế. Đề xuất này cũng tăng thêm 2 tỷ euro/năm so với đề xuất trước đó mà Athens đã bị giới chức EU bác bỏ. Các biện pháp cải cách mà Hy Lạp đưa ra bao gồm tăng thuế, cải cách lương hưu, tư hữu hóa và cắt giảm chi tiêu.

Cụ thể, chính quyền Athens sẽ đánh thuế vào các công ty vận chuyển và bỏ khấu trừ thuế dành cho các đảo; thống nhất mức thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mức chuẩn là 23% gồm cả các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm; từng bước hủy bỏ trợ cấp phụ thuộc cho người về hưu vào năm 2019 và cắt giảm chi tiêu quốc gia khoảng 300 triệu Euro vào năm 2016. Hiện tại, đề xuất đã được các thành viên trong nội các của chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras thông qua nhưng nó còn cần phải trải qua cửa ải Quốc hội Hy Lạp bằng một cuộc bỏ phiếu vào cuối ngày 10/7 (theo giờ địa phương, tức rạng sáng 11/7 theo giờ Việt Nam).

Trong khi đó, theo tin từ văn phòng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, nước này sẽ tiếp tục đóng cửa các ngân hàng đến hết ngày 13/7 để tránh tình trạng rút tiền ồ ạt. Hiện các máy ATM của các ngân hàng ở Hy Lạp vẫn còn tiền mặt và hạn mức rút tiền cho mỗi người dân tối đa vẫn là 60 Euro/ngày.

Hôm 8/7, Bộ Tài chính Hy Lạp đã gửi thư tới quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone kêu gọi trợ giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ hiện nay bằng việc xuất các khoản vay mới của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM). ESM chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/12012 như quỹ cứu trợ thường trực của Eurozone. ESM có số vốn khoảng 500 tỷ euro và sẽ trở thành nhà cho vay cuối cùng đối với các nước thành viên Eurozone gặp khó khăn nếu họ cam kết tiến hành những cải cách tài chính và cơ cấu nhằm đưa các nền kinh tế không còn được giới đầu tư tin tưởng quay trở lại quỹ đạo, đồng thời giúp ổn định đồng tiền chung châu Âu.

Trong 8 ngày đóng cửa ngân hàng, người dân Hy Lạp chỉ được quyền rút tiền ở các máy ATM với mức rút tối đa là 60 euro/ngày. Ảnh: Reuters.

Tín hiệu lạc quan từ IMF, ECB

Trước những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hy Lạp nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ để tránh nguy cơ bị phá sản, EU và IMF cũng đã dần thể hiện thiện chí của mình. Một hội nghị cấp cao bất thường của EU sẽ diễn ra vào ngày 12/7 tại thủ đô Brussels, Bỉ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho hay: “Đề xuất thực tiễn của Hy Lạp phải đi cùng với đề xuất thực tiễn từ phía các chủ nợ. Có như vậy chúng ta mới tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp”.

Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin thì nói: “Không có sự đoàn kết nào là không đi kèm với trách nhiệm. Chúng tôi không thể đoàn kết với một quốc gia từ chối chấp nhận tất cả các trách nhiệm của mình. Và nếu quốc gia đó chấp nhận trách nhiệm, thì họ có quyền được hưởng sự đoàn kết. Tôi hy vọng chúng tôi có thể cùng nhau giải quyết vấn đề và vượt qua mọi chuyện và đây cũng điều mà Hy Lạp cần phải chứng minh”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã thể hiện sự mềm mỏng bằng tuyên bố: “Một mặt, Hy Lạp phải tiến hành cải cách thực chất. Mặt khác, phải tái cơ cấu nợ. Chúng tôi cho rằng điều đó là cần thiết”.

Đồng thời, bà Christine Lagarde cũng khuyến cáo Hy Lạp “phải đi cả hai chân”, tức là phải song song cải cách kinh tế và duy trì kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt. Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh: “Bất chấp việc Hy Lạp đã mất khả năng thanh toán cho IMF đúng hạn, Quỹ vẫn tiếp tục tham gia để tìm ra một giải pháp cho vấn đề nợ nước này, cũng như sẽ tiếp tục tham gia chương trình cứu trợ mới kể cả khi Athens đang bị các định chế tài chính quốc tế chỉ trích”.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng khuyến khích nỗ lực của chính quyền Athens bằng quyết định giữ nguyên quỹ cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, hay còn gọi là hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) ở mức 89 tỷ euro và sẵn sàng dùng tất cả công cụ hiện có để hạn chế tác động không mong muốn về tài chính trong cuộc khủng hoảng nợ của Athens.

Gia Nam
.
.
.