Hy Lạp loay hoay chạy theo "chiếc phao" 130 tỷ euro

Thứ Bảy, 11/02/2012, 10:13
Trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) hôm 9/2, mặc dù chưa đưa ra bất kỳ một quyết định nào xung quanh gói cứu trợ 130 tỷ euro cho Hy Lạp, song các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các điều kiện để có được gói cứu trợ này. Còn Hy Lạp, để ổn định nền kinh tế, Chính phủ không những đề xuất các nguyên tắc trả nợ mà còn thông qua khoản cắt giảm ngân sách trị giá tới 3,3 tỷ euro.

Điều kiện từ EU

Theo hãng AFP, các Bộ trưởng Tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã đặt ba điều kiện cho Hy Lạp để nhận khoản cứu trợ mới. Điều kiện đầu tiên là việc Quốc hội nước này thông qua các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới vào ngày 12/2.

Tiếp đó, EU đề nghị Athens cắt giảm thêm chi tiêu trị giá 325 triệu euro trong năm 2012 và yêu cầu lãnh đạo các đảng phái chính trị tại Hy Lạp phải tự cam kết bằng văn bản thực hiện đầy đủ chương trình cắt giảm chi tiêu và trợ cấp; tiến hành các cải cách về mặt cấu trúc nền kinh tế và quản lý hành chính. Nếu các điều kiện này được đáp ứng, EU sẽ nhóm họp và đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 15/2.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi dự phiên họp kéo dài 6 tiếng đồng hồ, Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker, người chủ trì hội nghị nêu rõ: "Bất chấp tiến triển quan trọng đạt được trong những ngày qua, chúng tôi vẫn chưa có tất cả các yếu tố cần thiết trên bàn để đưa ra quyết định vào ngày hôm nay".

Biểu tình trước cửa tòa nhà Quốc hội, chống biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Người phát ngôn của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) Gerry Rice cho biết, các cuộc đối thoại giữa EU và Hy Lạp sẽ còn tiếp tục cho đến khi mọi chuyện được giải quyết. Ông Rice cũng cho hay, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde muốn Hy Lạp phải đảm bảo chắc chắn về việc thay đổi chính sách của mình kể cả sau khi diễn ra bầu cử.

Cao ủy Kinh tế và các vấn đề tiền tệ của EU Olli Rehn nói: "Dự thảo về việc cắt giảm nợ cho Hy Lạp của các chủ nợ tư nhân đang được tiến hành. Nhưng chúng tôi cần một sự đảm bảo chắc chắn". Còn Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi lại hé lộ rằng, ECB có thể cung cấp các nguồn vốn trực tiếp để giúp đỡ Hy Lạp nếu cần thiết. 

Bài toán khó của Hy Lạp

Sau cuộc họp chiều 9/2, khi các Bộ trưởng Tài chính EU không đưa ra bất kỳ quyết định cuối cùng nào khi gói cứu trợ quốc tế thứ 2 cho Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã rời Brussels. Khi được hỏi về quan điểm của Hy Lạp, ông Venizelos nói, Hy Lạp sẽ phải lựa chọn giữa việc có hay không ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Vài giờ trước khi cuộc họp ở Brussels bắt đầu, một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết, lãnh đạo chính trị của ba bên trong chính phủ liên minh cũng kết thúc cuộc đối thoại kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ bằng một thỏa thuận về nguyên tắc thắt lưng buộc bụng và biện pháp cải cách nhằm đổi lấy một gói cứu trợ tài chính quan trọng để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ - một thảm hoạ không chỉ với Hy Lạp mà với toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể xảy ra vào tháng tới. Quyết định này nhằm đảm bảo Hy Lạp sẽ nhận được gói cứu trợ quốc tế thứ 2 trị giá 130 tỷ euro (172 tỷ USD) và tránh không bị vỡ nợ vào ngày 20/3 tới, khi nước này phải thanh toán 14,5 tỷ euro trái phiếu đáo hạn.

Nếu không có gói cứu trợ thứ 2 này, Hy Lạp - nước có tỷ lệ nợ chiếm tới 160% GDP sẽ buộc phải phá sản hoặc rời khỏi khu vực eurozone. Được biết, giới hạn 130 tỷ euro và mục tiêu giảm nợ Hy Lạp xuống 120% GDP đều được EU thông qua trong tháng 10/2011. Thế nhưng EU và IMF lại khẳng định, tình hình kinh tế của Hy Lạp từ đó đến nay đã xấu đi, nên cần thêm tiền giải cứu và giảm nợ nhiều hơn so với tính toán ban đầu.

Ngày 10/2, trong khi các cuộc họp của giới chức EU vẫn tiếp diễn tại Brusseles, Liên đoàn Lao động ở Hy Lạp đã kêu gọi biểu tình trong 2 ngày nhằm chống lại biện pháp cắt giảm chi tiêu của chính phủ

Gia Nam
.
.
.