Hôm nay, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu công du Đông Bắc Á: Dây neo có giảm căng?
Thể hiện cam kết với các đồng minh châu Á
Theo đó, ông Joe Biden sẽ gặp mặt các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc để thảo luận về mối quan hệ song phương, các vấn đề về an ninh và thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại. Bằng cách này, ông Joe Biden sẽ giúp Mỹ chứng minh với các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng, mặc dù chính phủ Mỹ đang rất bận rộn với "lò lửa" Trung Đông và 1 loạt các khủng hoảng nghiêm trọng trong nước, Washington vẫn luôn hướng tới châu Á vì chủ trương của chính quyền Obama coi khu vực này là trọng tâm trong chương trình nghị sự đối ngoại.
Thật ra, vào thời điểm hiện tại, tranh chấp giữa các quốc gia tại châu Á trong tình trạng leo thang đáng báo động, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định trong khu vực, và gián tiếp tới nền kinh tế Mỹ. Họ đang "va chạm" trực tiếp với các nước láng giềng và gián tiếp với Mỹ do đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông với nhiều yêu cầu "quái gở", việc này làm trầm trọng thêm những tranh chấp lãnh thổ vốn đã kéo dài trong lâu nay. Tuy nhiên, sau sự kiện hai chiếc B52 "tự do" bay qua ADIZ, hôm thứ sáu (29/12), Washington đã bất ngờ kêu gọi các hãng hàng không Mỹ chấp hành những yêu cầu của ADIZ. Có thể Mỹ đã nhận ra được rằng, việc hạ nhiệt căng thẳng và tránh leo thang trong khu vực này… là nằm trong quyền lợi của nước Mỹ(?).
Từ nói tới làm
Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Obama nói rằng nước Mỹ đã "tham gia đầy đủ" các hoạt động diễn ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ của ông cũng hứa rằng sẽ gia tăng ảnh hưởng, nguồn lực, công tác ngoại giao trong khu vực cũng như hiện diện quân sự để đến năm 2020, 60% các tàu chiến của Hải quân Mỹ sẽ có căn cứ ở đó, so với 50% của thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đang ngày một phát triển mạnh cả về thương mại lẫn quân sự, và cũng không quên vươn cái "vòi bạch tuộc" của họ tới mọi ngõ ngách trong khu vực đã dấy lên không ít lo ngại cho người Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. |
Trong nhiệm kỳ thứ II, ba nước Iran, Syria và Ai Cập đã thu hút được sự chú ý của ông Obama về các chính sách đối ngoại. Và ở trong nước, hồi tháng 10 năm nay, ông Obama tung ra Luật y tế cải cách, được gọi là Obamacare, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng hòa và trở thành trọng tâm của tình trạng bế tắc trong chính phủ Mỹ dẫn tới việc, lần đầu tiên trong 17 năm, chính phủ liên bang đã phải đóng cửa 1 phần vào đầu tháng 10 năm nay.
Nghiêm trọng hơn, ông Obama đã phải hủy toàn bộ chuyến thăm 4 nước Đông Nam Á hồi đầu tháng 10, do việc đóng cửa 1 phần chính phủ liên bang ảnh hưởng đến nhân sự cần có để thiết lập chuyến đi. Ngày 17/10, sau 16 ngày đóng cửa, chính phủ liên bang đã "mở cửa hoạt động trở lại". Theo các chuyên gia kinh tế, ước tính tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ là từ 12 đến 24 tỷ USD, tương đương với 1,5 tỷ USD/ngày và làm mất khoảng 250.000 việc làm. Việc chính phủ đóng cửa đã làm giảm 20% tăng trưởng quý IV, hậu quả mà bất kỳ nền kinh tế nào đều sẽ "coi là một thảm họa".
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, bà Susan Rice, cho biết ông Obama sẽ tới thăm châu Á vào tháng 4 năm sau và hứa rằng nước Mỹ sẽ tăng cường sự hợp tác với châu Á "bất chấp có bao nhiêu cuộc khủng hoảng phát sinh trong khu vực".
Tuy nhiên, ông Joe Biden cho biết ông có nghe nhiều lời chỉ trích xung quanh chuyến đi này. "Ở mỗi nước, tôi đều nghe thấy điều tương tự: Ông Tổng thống khi nào sẽ thực hiện lời hứa của mình? Họ đã được nghe nhiều, chứng kiến nhiều các cuộc gặp mặt, trò chuyện ngoại giao. Nhưng họ cần nhiều hơn những lời nói".
Một lịch trình bận rộn
Ngày 2/12, ông Joe Biden sẽ dừng chân tại Tokyo và sau đó sẽ bàn với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về hợp tác song phương cũng như thúc đẩy đàm phán về Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề về an ninh khu vực, trong đó nổi lên là ADIZ của Trung Quốc.
Điểm đến tiếp theo của vị Phó Tổng thống là Hàn Quốc. Tại Thủ đô Seoul, ông Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Sau đó ông sẽ tới thăm trường Đại học Yonsai. Ở đó ông sẽ có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - Hàn và an ninh bán đảo Triều Tiên.
Điểm đến cuối cùng trước khi quay trở về Washington của ông Joe Biden là Bắc Kinh. Tại đây, ông sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều và Thủ tướng Lý Khắc Cường để bàn về các vấn đề kinh tế, thương mại, tiền tệ, bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng của khu vực và thế giới. Và có thể, ông Joe Biden sẽ "tận dụng" cơ hội này để nói rõ với phía Trung Quốc về những lo ngại và nghi ngờ của Washington đối với ADIZ. Từ đó làm rõ "ẩn ý" của Trung Quốc khi thiết lập ADIZ vào thời điểm này