Hội nghị thượng đỉnh OPEC: Quá nhiều bất đồng

Thứ Hai, 19/11/2007, 14:11
Ngày 17/11, lãnh đạo các quốc gia thành viên của OPEC đã có mặt tại thủ đô Riyadh trong hội nghị thượng đỉnh hiếm hoi bàn về dầu mỏ. Bất đồng đã xảy ra khi các bên tranh cãi về sự rớt giá của đồng USD và ý định dùng dầu mỏ trong các cuộc tranh chấp chính trị của những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Trong bài phát biểu phiên khai mạc, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã cảnh báo rằng giá dầu mỏ trên thế có thể tăng lên mức 150 USD/thùng - 200 USD/thùng nếu Mỹ vẫn quyết tâm thực hiện cuộc chiến quân sự chống lại Iran.

Đồng thời, ông Hugo Chavez cũng đã kêu gọi sự đoàn kết trong khối OPEC để chống lại những cuộc xâm lược vì mục đích dầu mỏ. Ông nói: "Mọi cuộc chiến đều bắt nguồn từ dầu mỏ. Ngày nay, OPEC chúng ta đã mạnh và cần phải hiệp lực để tự bảo vệ mình".

Ngay lập tức, vua Arab Saudi King Abdullah, quốc gia sản xuất dầu lửa nhiều nhất thế giới và là đồng minh của Mỹ đã phản pháo và khẳng định rằng: "Những ai muốn dùng OPEC vào mục đích chính trị thì họ đã nhầm. Dầu mỏ không thể là công cụ cho các cuộc xung đột. Nó chỉ được sử dụng vì mục đích phát triển thế giới".

Sự tranh cãi giữa nhà lãnh đạo hai nước này vô tình đã đẩy mạnh mâu thuẫn trong nội bộ OPEC, khiến hội nghị được tiến hành một cách gượng ép và ít kết quả thực chất.

Trên thực tế, hội nghị thượng đỉnh OPEC được tổ chức vào đúng thời điểm giá dầu mỏ trên thế giới đang leo thang và đã đạt ngưỡng kỷ lục gần 100 USD/thùng. Vì thế, 12 thành viên của OPEC trong đó có những quốc gia chống Mỹ mạnh mẽ như IranVenezuela đã muốn các quốc gia khác trong hiệp hội cùng chung tay giải quyết những vấn đề khó khăn.

Điều đáng buồn là trong buổi chiều 16/11, cuộc gặp riêng giữa Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Dầu mỏ của OPEC diễn ra không mấy suôn sẻ. Các bên vừa hiểu nhầm nhau do lỗi của phiên dịch lại vừa tranh cãi tiếp trong một số vấn đề khác như sự rớt giá của đồng USD. 

OPEC tạm thời bị chia cắt bởi hai chiến tuyến: chống Mỹ và ủng hộ Mỹ. Tổng thống Hugo Chavez muốn áp đặt ý tưởng biến OPEC thành một tổ chức chính trị nhưng Arab Saudi thì không thích vậy. Quốc gia cánh tả ở Nam Mỹ Ecuador vẫn đang do dự trước việc gia nhập trở lại OPEC vào đúng dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh sau khi tự ý rời tổ chức này vào năm 1992.

Chưa hết, giới báo chí còn chứng kiến cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Iran và Arab Saudi ngay tại phòng họp báo về đồng USD. Iran, được sự hậu thuẫn của Venezuela đã yêu cầu có tuyên bố cuối cùng của OPEC vào chiều 18-11 về sự liên quan giữa đồng USD mất giá và tác động của nó tới thị trường dầu mỏ thế giới.

Ngoại trưởng Arab Saudi Saud al-Faisal cũng không chịu nhường bước mà ra sức phản đối cách liên hệ bị coi là "lố bịch" này của chính quyền Tehran. Đứng ở giữa phân xử, Tổng thư ký OPEC lại không muốn tham gia vào vấn đề nhạy cảm này.

Phải nói rằng, 12 tháng qua, đồng USD đã bị rớt giá 15% và có ảnh hưởng tới lợi nhuận buôn bán dầu mỏ của các thành viên OPEC vì phần lớn việc xuất khẩu dầu đều được tính giá bằng đồng USD.

Vì thế, nhiều nhà phân tích thế giới đã nhận định rằng với những biến đổi không nhỏ này, OPEC sẽ còn nhiều mâu thuẫn nội bộ khó giải quyết và chính điều này tạo bất lợi cho Washington.

Một khi có sự liên kết chặt chẽ giữa IranVenezuela, OPEC có thể sẽ sử dụng dầu mỏ như một vũ khí chính trị. Lịch sử tổ chức này từng ghi nhận việc tăng giá dầu mỏ thế giới năm 1973 để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Syria của Israel.

Do đó việc hạ nhiệt giá bằng cách tăng sản lượng dầu mỏ của các nước thành viên OPEC sẽ được bàn tới trong cuộc họp tại Abu Dhabi vào ngày 5/12 tới

Huyền Chi
.
.
.