Hội nghị thượng đỉnh G8: Quá nhiều bất đồng

Thứ Tư, 09/07/2008, 09:02

Bước sang ngày làm việc thứ 2 (8/7), Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) mới chỉ thống nhất được một vấn đề liên quan đến việc làm giảm hiệu ứng nhà kính. Những vấn đề còn lại đang tiếp tục gây nhiều tranh cãi và đã xuất hiện căng thẳng trong nhiều cuộc đối thoại song phương giữa các nguyên thủ quốc gia.

Nội bộ không thống nhất

Những bất đồng giữa các quốc gia tham dự Hội nghị G8 bắt đầu xuất hiện ngay tại các cuộc gặp bên lề ở khu nghỉ mát Toyako. Chẳng hạn, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lập luận rằng năng lượng hạt nhân không phải là phương cách duy nhất để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu thì Tổng thống Mỹ George Bush lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại.

Nếu bà Angela Merkel cho rằng, các nước cần phải thực thi những biện pháp mới như sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái sinh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thì người đứng đầu Nhà Trắng lại khẳng định, cần tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân để góp phần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ngay lập tức, Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cũng tham gia với lời thúc giục lãnh đạo các nước giàu trên thế giới đi đầu trong việc đề ra mục tiêu cắt giảm khí thải.

Động thái này đã khiến Tổng thống Mỹ George Bush rơi vào thế bị cô lập. Tức giận trước sự thúc giục của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), ông Bush đã bỏ dở câu chuyện về cắt giảm khí thải nhà kính và chuyển sang cuộc đối thoại mới về an ninh lương thực với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda.

Chỉ mãi đến khi nước chủ nhà lên tiếng ủng hộ mục tiêu của EU và các quốc gia thành viên khác của G8 cũng đồng ý với việc cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2050, ông Bush mới miễn cưỡng chấp thuận. Song, đó mới chỉ là mục tiêu dài hạn, còn với mục tiêu trung hạn, phía Mỹ vẫn khẳng định rằng, cắt giảm từ 20%-40% khí thải nhà kính vào năm 2020 là phi thực tế.

Với vấn đề viện trợ nhân đạo ở châu Phi, các nhà lãnh đạo G8 đã phải tạm ngừng các cuộc đàm phán do Anh và Nhật Bản phản đối mạnh mẽ nỗ lực của Pháp và Italia cắt giảm tiền viện trợ như đã hứa trong Hội nghị thượng đỉnh Gleneagles. Nguyên do là vì theo Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, các nước G8 đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức về kinh tế và phải cân đối nguồn chi tiêu trong nước.

Chưa cải thiện được quan hệ song phương

Diễn ra vào đúng thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang lún sâu vào khủng hoảng, giá dầu liên tục phá ngưỡng đỉnh điểm của nó, Hội nghị G8 được trông đợi rất nhiều. Song thực tế rằng, trong suốt 2 ngày diễn ra Hội nghị, các nhà lãnh đạo G8 vẫn chưa đưa ra được quyết sách gì giúp cải thiện tình hình thế giới hiện nay. Ngược lại, những tranh cãi không dứt trong nội bộ tổ chức này còn thể hiện qua những khiếm khuyết trong mối quan hệ song phương.

Sau cuộc gặp làm quen với Tổng thống Mỹ, tân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thừa nhận rằng Moskva - Washington vẫn bất đồng ý kiến về hệ thống phòng thủ tên lửa và một số vấn đề khác của châu Âu. Ông Dmitry Medvedev tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại có từ thời người tiền nhiệm Vladimir Putin, còn ông Bush lại ủng hộ kế hoạch "tiến Đông" của NATO.

Quan hệ giữa Nga - Anh thì vẫn bị đóng băng cho dù cả hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trò chuyện gần một tiếng đồng hồ. Thủ tướng Anh Gordon Brown cố giữ quan điểm phản đối hành động của nhà chức trách Nga với công ty BP, và việc đóng cửa Hội đồng Anh tại Moskva cũng như từ chối dẫn độ Andrei Lugovoy, nghi phạm giết cựu điệp viên Alexander Litvinenko.

Chưa hết, khi cuộc gặp gỡ đang diễn ra thì tại Anh, một quan chức an ninh cấp cao đã cáo buộc Nga hậu thuẫn vụ giết hại Alexander Litvinenko ở London năm 2006. Nga đã mạnh mẽ bác bỏ sự dính líu và khẳng định mọi nỗ lực của Anh trong việc cáo buộc Nga liên quan tới cái chết của cựu điệp viên chỉ làm cho quan hệ giữa hai quốc gia thêm căng thẳng.

Rõ ràng, chỉ trong có 48 tiếng đồng hồ, các nhà lãnh đạo G8 đã bộc lộ rõ nét những mâu thuẫn của mình. Điều đó càng khiến cho người ta thêm nghi ngờ về cái gọi là "kết quả tốt đẹp" của Hội nghị thượng đỉnh G8 mà nước chủ nhà Nhật Bản đang kỳ vọng. Hơn thế nữa, nếu ngay cả trong nội bộ, G8 vẫn chưa giải quyết được vấn đề của chính mình thì liệu họ có đủ sức để giúp thế giới vượt qua những "cơn bão lớn" như hiện nay?

Huyền Chi
.
.
.