Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á tại Campuchia vào tháng 11: Trọng tâm là vấn đề Biển Đông

Thứ Năm, 01/11/2012, 11:23
Tiết lộ này vừa được Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đưa ra trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm 30/10. Theo đó, ông Surin Pitsuwan khẳng định, nội dung chính trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 tới là thảo luận giải pháp lâu dài, bền vững cho vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
>> Những luận cứ của Trung Quốc về vấn đề biển Đông không thuyết phục

Tổng thư ký ASEAN nói: “Các nước Đông Nam Á có thể chưa hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào giữa tháng sau, tuy nhiên, về cơ bản, các nước đã nhất trí tạo thêm động lực cho các cuộc thảo luận thẳng thắn về vấn đề này. Không có sự can thiệp và gây áp lực, vấn đề này sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN”.

Đưa ra cảnh báo về việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông luôn có nguy cơ bùng phát thành bạo lực, ông Surin Pitsuwan nhấn mạnh: “Các quan chức cấp cao đã xác định những yếu tố cần thiết của COC. Tôi đã được nhìn thấy bản dự thảo của văn bản này. Tôi nghĩ là cần thêm không gian và cơ hội cho các cuộc thảo luận”.

Đánh giá Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đang thể hiện một thái độ nỗ lực nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thư ký ASEAN khẳng định: “"Hiện hai bên đang muốn xây dựng COC càng sớm càng tốt, vì nếu trì hoãn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của tất cả các bên. Dù khó khăn nhưng ít nhất họ đã đồng ý đối thoại".

Được biết, sau cuộc họp không chính thức ngày 29/10 tại Pattaya (Thái Lan), các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí duy trì tham vấn về các quy định mang tính ràng buộc nhằm kiềm chế cách ứng xử của các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan khẳng định, vấn đề Biển Đông sẽ là trọng tâm trao đổi tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia.

Theo đó, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn về lãnh thổ trên biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, người đồng chủ trì hội nghị cùng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh cho hay, mặc dù các quan chức tham gia hội nghị không thể thảo luận về chi tiết của những quy định mang tính ràng buộc được dự kiến song tất cả các bên sẽ tìm cách đảm bảo thực thi kiềm chế và tránh những sự cố có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ chung giữa ASEAN và Trung Quốc. Dự đoán của ông Sihasak Phuangketkeow là có lẽ phải mất thêm hai năm nữa mới có COC.

Đánh giá về những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, học giả Makmur Keliat - Giám đốc Chương trình đào tạo sau đại học về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia (UI) cho rằng, ASEAN cần giữ vai trò trung tâm tại khu vực trong bối cảnh các nước lớn tăng cường can dự vào châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Quan điểm này hoàn toàn trùng khớp với đề xuất mà trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị không chính thức ASEAN- Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đưa ra hôm 29/10.

Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi đàm phán để hiện thực hóa COC càng sớm càng tốt. Song có lẽ, theo các nhà phân tích, vấn đề khó nhất hiện nay là Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được một quyết định chắc chắn nào về COC.

Đó là chưa kể đến chuyện Bắc Kinh vẫn đang thực hiện chiến lược “lãnh địa hóa” Biển Đông và áp đặt “sự đã rồi” đối với các nước trong khu vực. Tướng về hưu Daniel Schaeffer - từng là tùy viên quân sự tại sứ quán Pháp ở Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và hiện là chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông và châu Á còn cho rằng, Trung Quốc đang áp dụng “chiêu trò” độc chiếm khu vực này bất chấp chủ quyền của các nước khác.

Riêng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Việt Nam – Trung Quốc, ông Daniel Shaeffer cho rằng, Việt Nam cần phải quốc tế hóa mạnh mẽ hơn hồ sơ về vấn đề Biển Đông để đối phó với chiến lược của Trung Quốc. Chưa hết, ông Daniel Shaeffer còn đưa ra một cái nhìn mới về mục tiêu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Theo ông này, ngoài các mục tiêu về kinh tế như chiếm đoạt nguồn dầu khí dồi dào, nguồn tự nhiên của biển, quân sự cũng là một nhân tố tối quan trọng bởi việc “lãnh địa hóa” Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh triển khai hạm đội tàu ngầm của họ một cách an toàn hơn, phòng khi phải tấn công vào Mỹ

Phan Hiển
.
.
.