Hội nghị quốc tế Berlin: Bước đi đầu tiên hướng đến tái lập hòa bình cho Libya
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đại diện hai phe đối địch ở Libya gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng, cùng lãnh đạo của hơn 10 nước, tổ chức có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới chiến sự tại quốc gia Bắc Phi gồm Tổng thống Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập; Thủ tướng Anh, Italy; Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc và người đứng đầu LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) đã tới Berlin hôm 19-1 tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Libya.
Các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại Berlin bàn về hòa bình cho Libya. Ảnh: Getty Images |
Kết thúc cuộc gặp kéo dài hơn 5h đồng hồ, lãnh đạo các nước đã đặt bút ký tuyên bố chung dài 8 trang, với 55 điểm, nổi bật là cam kết tuân thủ lệnh cấm bán vũ khí cho Libya của LHQ, dừng sự can thiệp của nước ngoài vào quốc gia này cùng loạt điều khoản hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Trong văn kiện, các nhà lãnh đạo nêu rõ: “Chúng tôi có trách nhiệm không can thiệp vào cuộc xung đột vũ trang ở Libya cũng như vấn đề nội bộ của Libya”.
Đây được xem là thành quả quan trọng, bởi nó đảo ngược lại những gì đang diễn ra với Libya khi một số bên liên quan hiện đang cung cấp tiền bạc, vũ khí, thậm chí trực tiếp tham gia cuộc xung đột tại quốc gia này để bảo vệ cho lực lượng mà mình hậu thuẫn.
Theo Reuters, tuyên bố chung mà các nhà lãnh đạo vừa đặt bút ký sẽ sớm được chuyển lên Hội đồng Bảo an LHQ để thông qua và có hiệu lực thực thi. Bên nào vi phạm thỏa thuận chắc chắn phải chịu những chế tài nghiêm khắc của LHQ.
Ngoài cam kết không can thiệp vào Libya, các cường quốc đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy thống nhất về chính trị và kinh tế ở nước này thông qua tiến trình hòa giải quốc gia, theo đó ngành công nghiệp dầu mỏ, các quỹ nhà nước và lực lượng an ninh Libya sẽ nằm dưới một sự quản lý thống nhất.
“Tất cả các bên tham gia, trong đó có các tổ chức khu vực như AL, EU và AU, đều nhất trí rằng, chúng ta cần có một giải pháp chính trị. Bởi thực tế cho thấy hành động quân sự chỉ làm gia tăng những khổ đau mà người dân phải hứng chịu”, Thủ tướng Đức Merkel phát biểu sau cuộc họp.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lạc quan tin tưởng các cam kết vừa được thông qua là tiền đề hướng đến chấm dứt tình trạng đối đầu ở Libya.
Hội nghị ở Berlin diễn ra trong bối cảnh chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang chóng mặt tại Libya. Quốc gia này hiện có hai chính quyền song song tồn tại với lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ GNA do Thủ tướng Fayez Sarraj đứng đầu, dù được LHQ công nhận, nhưng chỉ kiểm soát một số khu vực nhỏ ở Tây Libya, gồm thủ đô Tripoli. GNA hiện nhận hậu thuẫn của Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar.
Trong khi đó, lực lượng LNA do tướng Khalifa Haftar dẫn dắt kiểm soát hơn 70% lãnh thổ đất nước, bao gồm những khu vực khai thác dầu khí lớn. LNA được sát cánh bởi Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và nhận ủng hộ chính trị của nhiều cường quốc như Nga, Mỹ và Pháp.
Từ tháng 4-2019, tướng Haftar mở đợt tấn công vào thủ đô Tripoli với tham vọng đẩy lùi GNA. Vài tuần gần đây, quân đội của ông Haftar liên tục chiếm các cảng dầu quan trọng gần Tripoli. Trước tình thế đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố triển khai quân đội đến Libya hỗ trợ GNA, khiến tình hình thêm phức tạp.
Trước hội nghị ở Berlin, theo lời kêu gọi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Haftar chấp thuận một lệnh ngừng bắn tạm thời, bắt đầu từ ngày 12-1 để mở ra cơ hội đối thoại. Tuy nhiên, một ngày sau, hôm 13-1, hai phe đối địch Libya đã không thể thể thống nhất về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài khi gặp mặt ở thủ đô Moscow của Nga.
Tại Berlin lần này, dù ông Sarraj và Haftar đều có mặt dự họp cùng các nhà lãnh đạo thế giới, song hai người không gặp mặt trực tiếp, cho thấy xu hướng đối đầu vẫn bao trùm. Với cái nhìn thận trọng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi cuộc gặp ở Berlin là một “bước tiến nhỏ” và thừa nhận khoảng cách giữa các bên tham chiến vẫn còn khá xa.
“Rõ ràng chúng ta đã không thành công trong việc tổ chức một cuộc đối thoại quan trọng và đáng tin cậy giữa họ (ông Sarraj và tướng Haftar)”, Ngoại trưởng Nga nói.
Theo thông báo của LHQ, một cuộc gặp giữa đại diện quân sự hai lực lượng tham chiến chính tại Libya có thể diễn ra trong những ngày tới nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn dài hơi như kêu gọi của các nước. Thủ tướng Đức Merkel tiết lộ GNA và LNA đã nhất trí tham gia vào cơ chế có tên gọi “Ủy ban quân sự 5+5” với mục đích chính là đàm phán hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài.
Tuy nhiên, cả hai phe đối địch Libya chưa đưa ra bình luận chính thức nào về khả năng này. Báo cáo mới được LHQ công bố cho thấy, các cuộc giao tranh 9 tháng qua giữa GNA và LNA đã khiến ít nhất 280 dân thường và 2.000 tay súng thiệt mạng, buộc 170.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đất nước Libya chìm trong khủng hoảng nhân đạo.
Giớ chuyên gia nhận xét, hội nghị ở Berlin rõ ràng đã thành công trong việc tập hợp các nhà lãnh đạo trên thế giới để xem xét và tìm giải pháp cho cuộc nội chiến tàn phá Libya suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu trên chặng đường đầy khó khăn.
Trên DW, ông Jürgen Hardt, chuyên gia chính sách đối ngoại của Thủ tướng Đức Merkel bình luận, sự đóng góp của các cường quốc, nếu có thể giải quyết vấn đề Libya, nhìn rộng ra sẽ mang đến triển vọng xây dựng một tương lai ổn định cho toàn khu vực Bắc và Tây Phi, khi nó trở thành mô hình để giải quyết những cuộc đối đầu tưởng chừng như không có điểm kết tại khu vực này.