Học giả quốc tế chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở biển Đông

Thứ Ba, 10/03/2015, 20:09
Tại Hội thảo chuyên sâu về biển Đông tổ chức tại Bỉ, TS David Anderson, nguyên Thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển có tham luận với nội dung chỉ trích Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong việc xây dựng đảo nhân tạo.

Ngày 6/3/2015, tại Trung tâm tổ chức sự kiện Hoàng Gia Egmont, Bruxelles (Bỉ), Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Tự do Bruxelles (VJB) đã tổ chức Hội thảo chuyên sâu về biển Đông với chủ đề “The South China Sea: An International Law Perspective” (tạm dịch: Biển Đông: Nhìn từ góc độ luật quốc tế).

Tham dự hội thảo có khoảng 150 người, gồm các quan chức EU, NATO, Bộ Ngoại giao Bỉ, nghị sĩ Quốc hội Bỉ, Nghị viện châu Âu, các học giả, nghiên cứu sinh về Luật Quốc tế và những người quan tấm đến vấn đề biển Đông…

Hội nghị thu hút nhiều học giả, luật gia, nhà nghiên cứu luật quốc tế tham gia.

Mở đầu hội nghị, ông Paul Rietjens, Tổng vụ trưởng Các vấn đề Pháp lý, Bộ Ngoại giao Bỉ có bài tham luận nêu lên tầm quan trọng của biển Đông đối với thế giới và châu Âu; vấn đề áp dụng Luật pháp quốc tế để đảm bảo an ninh hàng hải và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.

Chương trình chính gồm 4 phiên làm việc.

Phiên 1 về “Đánh bắt hải sản” (Fisheries) do TS Friendrich Wieland, Trưởng bộ phận Pháp lý, Tổng vụ Biển và Đánh bắt hải sản, Ủy ban châu Âu chủ tọa, giáo sư John McManus, Đại học Tổng hợp Miami (Mỹ) là diễn giả chính, nội dung tập trung làm rõ vấn đề đánh bắt cá, bảo vệ môi trường trên biển nói chung và tại biển Đông nói riêng cần có sự hợp tác của các bên liên quan, không đơn phương và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phiên 2 về hàng hải (Navigation) do GS Giuseppe Cataldi, Chủ tịch Hội quốc tế về Luật Biển làm chủ tọa, GS Zou Keyuan, Đại học Tổng hợp Lancashire là diễn giả chính. Nội dung chính tập trung vấn đề an ninh hàng hải ở biển Đông. GS James Kraska, Đại học Due (Mỹ) cũng gửi bài tham luận trong đó chỉ trích việc Trung Quốc đã thực hiện chính sách xâm lược tại biển Đông và yêu cầu TQ phải dừng chính sách nguy hiểm này.

Phiên 3 về “Quy chế đảo” (Regime of Islands) do GS Tullio Trever, nguyên Thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển, hiện là GS Đại học tổng hợp Milan (Italia) làm chủ tọa. Tại phiên này, ông Ted McDorman, GS Luật trường Đại học Tổng hợp Victoria, nguyên cố vấn Bộ Ngoại giao Canada về Luật Biển trình bày các quy định của Luật Quốc tế về các nguyên tắc xác định đảo, bãi đá ngầm và các quy chế pháp lý kèm theo. Các yêu cầu chủ quyền không có cơ sở sẽ không được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Tiếp theo, TS David Anderson, nguyên Thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển có tham luận với nội dung chỉ trích Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trong việc xây dựng đảo nhân tạo.

Phiên 4 về giải quyết tranh chấp quốc tế (International Dispute Settlement) do giáo sư Liesbeth Linzaad, Cố vấn Luật Quốc tế cho Bộ Ngoại giao Hà Lan, giáo sư danh dự trường Đại học Tổng hợp Maastricht làm chủ tọa.

GS Natalie Klein, Trưởng Khoa Luật, Đại học Tổng hợp Macquarie Sydney (Úc), chuyên gia nghiên cứu về luật biển và tranh chấp quốc tế đã trình bày tham luận nêu giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế.

TS luật biển Arif Havas Oegroseno, nguyên Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và EU, Thứ trưởng Bộ Các vấn đề về Biển của Indonesia đã nêu lên giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua ngoại giao đa phương, trong đó có vai trò quan trong của ASEAN.

Kết thúc hội nghị, GS Erick Franckx, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học VJB đã tóm tắt nội dung các bài tham luật và nhấn mạnh việc cần tìm giải pháp trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông.

Dư luận đánh giá đây là một hội thảo có uy tín, chuyên sâu về Luật quốc tế và vấn đề biển Đông.

Ngọc Anh
.
.
.