Hội nghị thượng đỉnh hòa bình thế giới tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ:

Hỗ trợ công cụ pháp lý để chống khủng bố

Chủ Nhật, 26/04/2015, 08:03
Đoàn kết để chống khủng bố không còn là khẩu hiệu mà là cẩm nang hành động của các quốc gia trong bối cảnh thế giới ngày càng bị đe dọa bởi những âm mưu tấn công và chia rẽ. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình thế giới tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 24/4 được coi là cơ hội để cộng đồng quốc tế hợp tác ở mọi cấp độ nhằm diệt trừ chủ nghĩa cực đoan.

Phát biểu tại hội nghị, với tư cách là người đứng đầu nước chủ nhà, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh, để đối phó với các nhóm khủng bố cực đoan, cộng đồng quốc tế phải hợp tác ở nhiều cấp độ như chính trị, kinh tế và xã hội. Ông Tayyip Erdogan nói: “Mỗi một quốc gia trên thế giới nên đoàn kết với nhau và chung tay cùng cộng đồng quốc tế diệt trừ các nhóm cực đoan”.

Cụ thể, với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được coi là điểm trung chuyển để những người Hồi giáo cực đoan mang quốc tịch phương Tây vào Iraq và Syria, gia nhập tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS), ông Tayyip Erdogan cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và giúp huấn luyện cho các lực lượng ở Iraq đối phó với IS.

Đồng quan điểm này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, 25 nhà lãnh đạo và 30 Bộ trưởng đến từ các nơi trên thế giới… đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau đoàn kết chống lại các mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan trên toàn cầu. Chưa hết, để thể hiện ngay tinh thần hợp tác vì lợi ích chung, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davatoghi và người đồng cấp Australia Tony Abbott đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận về hợp tác chống khủng bố.

Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Australia ngăn chặn những người mang quốc tịch Australia có ý định tới Syria để đầu quân vào tổ chức IS. Để thực hiện việc này, hai bên sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hồ sơ cá nhân của những người bị cơ quan tình báo Australia để ý. Trong trường hợp phát hiện những đối tượng nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt giữ, trục xuất, giao trả các tay súng này về cho Australia.

Thỏa thuận này cũng gần giống như những gì mà Australia và Iran từng đạt được trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước tại thủ đô Tehran hồi giữa tháng 4. Khi đó, Iran cam kết sẽ chia sẻ thông tin tình báo về các tay súng Australia gia nhập IS tại Iraq.

Thanh niên là đối tượng dễ bị lôi kéo tham gia các hoạt động khủng bố. Ảnh: Daily Mail.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí về việc tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chống bạo lực và cực đoan tại khu vực. Còn Ai Cập và Hy Lạp thì khẳng định mối quan hệ chặt chẽ trong hợp tác về an ninh, kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo…

Các con số thống kê cho thấy, số lượng người phương Tây, đặc biệt là thanh niên trẻ gia nhập IS ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Thậm chí có nhiều thanh thiếu niên còn bỏ nhà, trốn gia đình, tự tìm được tới Thổ Nhĩ Kỳ rồi từ đó xâm nhập vào Syria hoặc Iraq. Một số đối tượng thì tìm hiểu, làm quen với các thành viên của IS hoặc các tổ chức khủng bố khác qua mạng Internet và thậm chí còn cổ vũ cho các hoạt động cực đoan bằng việc giúp đỡ IS hay các tổ chức này chiêu mộ tân binh trên quê hương mình… Vì thế, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của giới trẻ trong việc tham gia chống bạo lực và chống chủ nghĩa cực đoan.

Trên thực tế, vấn đề này cũng được các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhắc đến trong phiên họp hôm 23/4 với sự tham dự của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Chủ trì phiên họp là Thái tử Hussein Bin Abdullah của Jordan – quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ. Là người trẻ nhất trong lịch sử với vai trò là Chủ tịch của phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ, Thái tử Hussein Bin Abdullah cảnh báo, thanh niên là tầng lớp đóng góp nhiều vào quá trình ổn định cho thế giới nhưng cũng là đối tượng bị khủng bố và dễ bị lợi dụng.

Phân tích về những nguyên nhân đẩy giới trẻ gia nhập các nhóm quân khủng bố, tham gia vào con đường bạo lực, Thái tử Hussein Bin Abdullah cho biết: “73 triệu thanh niên bị thất nghiệp. Hơn 14 triệu người tị nạn và di tản. Đa số nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang cũng đều là thanh niên. Chúng ta hãy hợp tác với những người trẻ tuổi thay vì để họ là mục tiêu của bạo lực và khủng bố”.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ thì nhấn mạnh: phải coi thanh niên là trung tâm việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; tạo cho lớp trẻ những chỗ ngồi chính thức trên các bàn đàm phán để việc tham gia chống bạo lực và chống lại chủ nghĩa khủng bố của họ thêm hiệu quả.

Gia Nam
.
.
.