Hình thành liên minh chống IS

Thứ Tư, 17/09/2014, 10:28
Ngày 16/9, tức 24h sau khi hội nghị quốc tế về an ninh Iraq được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp), một liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã hình thành. Đáng chú ý là nhiều quốc gia trong đó có cả Pháp, Australia đã lên tiếng ủng hộ giải pháp của Mỹ là đưa thêm binh sĩ và khí tài tới Iraq để mở rộng các cuộc không kích vào căn cứ của IS.
>> IS lại phát tán clip hành quyết con tin thứ 3

Lời hiệu triệu của NATO

Hôm 15/9, ngay sau khi gọi IS là “một nhóm khủng bố không thể thương lượng” và bày tỏ sự tức giận trước việc tổ chức này công khai đoạn video chặt đầu con tin thứ 3, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã kêu gọi phải hành động quân sự ngay lập tức để ngăn chặn các hành động dã man, vô nhân tính của IS. Có lẽ đây là lời hiệu triệu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương kể từ khi IS trở thành “chủ đề thảo luận” chính trong các hội nghị về quân sự.

Hãng tin BBC cho biết, sự thay đổi về quan điểm của NATO cho thấy, cuộc chiến chống lại IS đã trở thành mối quan tâm hàng đầu thế giới hiện nay. Nói thế là bởi lẽ trước đó chưa đầy 10 ngày, NATO vẫn bác bỏ khả năng can dự vào công việc của Iraq và chỉ hỗ trợ về khí tài cho lực lượng an ninh nước này đối phó với IS mà thôi.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thư ký NATO,  Bộ trưởng Quốc phòng Pháp công bố rằng Paris sẽ hợp tác với Anh thực hiện các chuyến bay trinh sát nhằm hỗ trợ chiến dịch không kích của Mỹ nhằm vào các căn cứ của IS ở Iraq. Cụ thể, ngày 16/9, Mỹ cũng đã lần đầu tiên tiến hành không kích IS ở gần thủ đô Baghdad. Trước đó, vào hồi tháng 8, Mỹ đã không kích IS ở miền Bắc Iraq. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande trong bài phát biểu khai mạc hội nghị quốc tế về an ninh Iraq tại thủ đô Paris hôm 15/9 nhấn mạnh: “Chỉ có một mục tiêu duy nhất là mang đến cho chính quyền Iraq sự hậu thuẫn chính trị cần thiết, đó là cắt đứt các mạng lưới thánh chiến, ngăn chặn việc lôi kéo những thành viên trên khắp thế giới gia nhập vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Kết thúc hội nghị, chính quyền Paris đã gửi tới các cơ quan báo chí Thông cáo gồm 10 điểm mà theo đó, đại biểu của khoảng 30 quốc gia châu Âu và Arab cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định, IS không chỉ là mối đe dọa đối với Iraq mà với toàn bộ cộng đồng quốc tế. LHQ sẽ giữ vai trò điều phối sự hỗ trợ quốc tế với chính quyền Baghdad trong cuộc chiến này.

IS cũng đang mở rộng hoạt động ở Syria và giành quyền kiểm soát ở một số khu vực của nước này. Ảnh: AP.

Và những động thái quân sự

Trước sự đoàn kết của cộng đồng thế giới trong vấn đề chống IS, Tổng thống Iraq Fouad Massoum cũng tuyên bố rằng, về mặt quân sự, Iraq không cần binh lính nước ngoài đến chiến đấu nhưng lại cần một chiến dịch can thiệp không quân. Đồng thời, ông Fouad Massoum còn cảnh báo, nếu chậm trễ, IS có thể sẽ “chiếm đóng một số vùng đất khác và hiểm họa từ bọn chúng sẽ lớn hơn”. Ngay lập tức Australia tuyên bố sẽ triển khai máy bay chiến đấu cùng 600 binh sĩ đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để hỗ trợ lực lượng quốc tế chống IS. Bộ Quốc phòng Đức cũng triển khai 40 lính dù tới Iraq để huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các tay súng người Kurd.

Quân đội Pháp thì tiến hành các chuyến bay do thám đầu tiên tại Iraq từ hôm 15/9 bằng 2 chiến đấu cơ Rafale được trang bị camera hiện đại đã cất cánh từ căn cứ Al-Dhafra (UAE). Mỹ quyết định phái tàu chiến thứ 7 đến vùng Vịnh và lệnh đưa thêm 475 binh sĩ tới Iraq, nâng tổng số binh sĩ Mỹ hoạt động tại quốc gia này là 1.500 binh sĩ. Một số quốc gia khác như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan tuy lên tiếng ủng hộ nhưng vẫn còn mang thái độ dè dặt, chưa dám đưa ra cam kết cụ thể. Hai quốc gia là Iran và Syria đều ngỏ ý sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống IS thì lại bị Mỹ và NATO tuyên bố không hợp tác.

Hội đồng Bảo an LHQ ngày 16/9 đã lên án hành động cắt cổ nhân viên cứu trợ người Anh David Haines của tổ chức IS là tội ác “hèn nhát và ghê tởm”. Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi các nhân viên cứu trợ phải được tôn trọng trong các khu vực xung đột và “một lần nữa nhấn mạnh IS phải bị tiêu diệt”, đồng thời đề nghị IS cùng những nhóm có liên hệ với mạng lưới  khủng bố Al-Qaeda trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị bắt giữ làm con tin. Hội đồng Bảo an LHQ cũng kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới hợp tác với nước Anh trong việc đưa những kẻ hành quyết anh David Haines ra xét xử

Gia Nam
.
.
.