Hậu bầu cử ở Italia: Gia tăng mâu thuẫn giữa các đảng phái

Chủ Nhật, 03/03/2013, 03:12
Khủng hoảng chính trị vẫn đang đeo bám Italia kể từ sau khi kết quả cuộc bầu cử Quốc hội được công bố hôm 26/2.

Gần một tuần sau khi cử tri Italia đi bỏ phiếu để lựa chọn đảng phái có thể chèo lái nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn của thời điểm hiện nay, Italia vẫn chưa thể thành lập được chính phủ bởi liên minh trung tả tuy giành thắng lợi ở Hạ viện nhưng lại chỉ chiếm được thiểu số tại Thượng viện.

Trong khi đó, ý tưởng về một cuộc tổng tuyển cử mới thay thế cho thất bại của cuộc bầu cử vừa qua đã bị đương kim Tổng thống Giorgio Napolitano bác bỏ.

Trả lời phỏng vấn báo giới tại thủ đô Berlin (Đức) nhân chuyến công du nước này, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano cho biết ông rất  thất vọng về kết quả bầu cử vừa qua. Nhưng ông cũng không tán đồng ý kiến tổ chức một cuộc bầu cử khác để thay thế dù ông là người có quyền quyết định giải tán Quốc hội.

Giorgio Napolitano nhấn mạnh rằng nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào giữa tháng 5 và ông cho rằng, người kế nhiệm ông cũng không hề muốn có quá nhiều cuộc bầu cử một lúc. Quan điểm của Tổng thống Italia là cái quan trọng nhất hiện nay là các đảng phái phải biết hòa hợp để thành lập chính phủ vì lợi ích của người dân.

Trên thực tế, cuộc bầu cử hồi cuối tháng 2 đã cho thấy những mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc trên chính trường Italia. Việc các đảng phái không thể thống nhất ý kiến để thành lập chính phủ đã khiến cho nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị mất lòng tin đối với các đối tác và các nhà đầu tư.

Trong khi đó, liên minh trung tả do nhà lãnh đạo Pier Luigi Bersani đứng đầu tuy giành được chiến thắng áp đảo tại Hạ viện nhưng lại không đủ số phiếu để trở thành đa số tại Thượng viện. Đương nhiên, với kết quả này, Pier Luigi Bersani cũng khó có thể thành lập được chính phủ.

Nhà lãnh đạo liên minh trung tả Pier Luigi Bersani đang tính việc thành lập chính phủ thiểu số ở Italia.

Nhiều kịch bản liên minh liên kết giữa liên minh trung hữu với các đảng phái khác đã được giới phân tích đưa ra nhưng tuyên bố hôm 28/2 của ông Pier Luigi Bersani đã khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn.

Theo đó, người đứng đầu liên minh trung tả đã đưa ra khả năng thành lập chính phủ thiểu số dựa trên một liên minh lỏng lẻo trong Quốc hội. Ông Pier Luigi Bersani cũng bác bỏ việc liên kết với liên minh trung hữu với 113 ghế do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu.

Đối tác mà liên minh trung tả này có thể lựa chọn là lực lượng trung dung của Thủ tướng Mario Monti nhưng phe này chỉ chiếm 18 ghế trong Quốc hội và dù liên minh với lực lượng này, liên minh trung tả vẫn không thể đạt được con số 158 ghế tại Thượng viện để giành quyền kiểm soát.

Hiện tại, chính phủ do ông Pier Luigi Bersani đề xuất đã đặt ra các mục tiêu chính bao gồm nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ những người nghèo nhất và giảm chi tiêu của chính phủ. Thực tế, đây lại là những vấn đề mà đảng Phong trào 5 sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo cam kết khi thực hiện chiến dịch vận động tranh cử. Nhiều câu hỏi được đặt ra, phải chăng liên minh trung tả đang tìm cách liên minh với M5S.

Nhưng hôm 1/3, tham gia một cuộc biểu tình trên đường phố ở thủ đô Rome, danh hài Beppe Grillo đã bác bỏ khả năng liên kết này. Còn người đồng sáng lập M5S Gianrobeto Casaleggio thì tuyên bố, M5S chỉ có thể hỗ trợ, ủng hộ hạn chế đối với chính phủ thiểu số của ông Pier Luigi Bersani nếu được đề nghị. Nhưng ông Gianrobeto Casaleggio vẫn cam kết các thành viên trong đảng sẽ bỏ phiếu thông qua các quyết định của chính phủ mới nếu các đảng phái khác cũng làm vậy.

Gianroberto Casaleggio (bên trái) và danh hài Beppe Grillo, những người đồng sáng lập M5S tuyên bố ủng hộ hạn chế đối với chính phủ thiểu số của ông Pier Luigi Bersani nếu được đề nghị.

Các nhà phân tích nhận định, cho dù liên kết được với M5S, chính phủ mới do liên minh trung tả đứng đầu vẫn phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng khác trong Thượng viện và nó sẽ tạo ra một kiểu liên minh lỏng lẻo. Câu hỏi được đưa ra là liệu trong hoàn cảnh như vậy, một chính phủ liên kết lỏng lẻo có giải quyết được những khó khăn kinh tế hiện nay của Italia.

Trong trường hợp không thể tồn tại một liên minh chính phủ ở Italia, nhiều người khuyến cáo Italia có nguy cơ sẽ trở thành Hy Lạp thứ hai của Liên minh châu Âu và khiến khủng hoảng nợ công ở châu lục này ngày càng trầm trọng.

Các con số thống kê cho thấy, tổng nợ của Chính phủ Italia lên đến 1.898 tỷ euro trong năm 2011, tương đương 120,1% GDP. Những khó khăn của Italia có thể làm phương hại tới sự tin tưởng vào đồng euro vì nó trì hoãn các nỗ lực của Italia nhằm hồi sinh nền kinh tế

Sông Thương
.
.
.