Hàn Quốc: Tổng thống Lee Myung-bak tiếp tục xin lỗi người dân

Thứ Sáu, 20/06/2008, 10:15
Ngay sau khi vòng đàm phán Mỹ - Hàn về vấn đề nhập khẩu thịt bò Mỹ lần thứ ba thất bại, ngày 19/6, Tổng thống Lee Myung-bak đã có bài phát biểu xin lỗi người dân Hàn Quốc xung quanh vấn đề này.

Đây là lần xin lỗi thứ hai của Tổng thống Lee Myung-bak về vấn đề nhập khẩu thịt bò Mỹ và việc này đang khiến cho uy tín của ông bị giảm sút nghiêm trọng mặc dù mới nhậm chức khoảng 4 tháng.

Quyết tâm cải tổ nội các

Trong bài phát biểu xin lỗi quốc dân, Tổng thống Lee Myung-bak cho biết, việc đạt được thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ là điều cần thiết để thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc phát triển, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay. Và để có thể ký được hiệp định tự do thương mại với Mỹ, Hàn Quốc không thể từ chối nhập thịt bò Mỹ.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Lee Myung-bak cũng tái khẳng định, sẽ chú ý đến ước nguyện của người dân - tôi và chính phủ sẽ suy ngẫm thật sâu sắc về vấn đề này. Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh, Mỹ cam kết cấm xuất khẩu thịt của những con bò trên 30 tháng tuổi sang Hàn Quốc.

Nhiều người nói rằng, Tổng thống Lee Myung-bak mặc dù rất cố gắng thay đổi thỏa thuận mở cửa thị trường Hàn Quốc cho thịt bò nhập khẩu Mỹ, nhưng bất thành.

Mặc dù tuyên bố sẽ sa thải một số trợ lý thân cận cũng như cải tổ nội các nhằm lấy lại lòng tin của người dân, nhưng Tổng thống Lee Myung-bak chưa đưa ra bất cứ quyết định cụ thể nào đối với đề xuất từ chức tập thể của nội các do Thủ tướng Han Seung-soo đứng đầu hôm 10/6 vừa qua.

Theo giới truyền thông, ông Sim Dae-pyung, 67 tuổi, nhân vật số hai trong đảng bảo thủ LFP, nhiều khả năng sẽ trở thành tân Thủ tướng bởi Tổng thống Lee Myung-bak đang muốn xoa dịu mâu thuẫn với phe đối lập.

Tuy nhiên, bà Park Geun-hye cũng là ứng cử viên sáng giá thay thế Thủ tướng Han Seung-soo. Dư luận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bà Park Geun-hye là người có khả năng sớm bình ổn được tình hình vì từng lãnh đạo đảng cầm quyền Đại Dân tộc.

Dự kiến, Tổng thống Lee Myung-bak sẽ thay thế những Bộ trưởng có liên quan đến thoả thuận nhập khẩu thịt bò Mỹ như Ngoại trưởng Yu Myung-hwan, Bộ trưởng Nông nghiệp Chung Woon-chun, Bộ trưởng Tài chính Kang Man-soo... Theo phát ngôn viên của Tổng thống, bức tranh về nội các mới sẽ thành hình trong tuần này.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Nhiều người nói rằng, "thịt bò Mỹ từng lật nhào nội các của Thủ tướng Han Seung-soo" và điều này cũng có thể xảy ra đối với Tổng thống Lee Myung-bak nếu ông không kịp thời đưa ra những quyết sách ổn định lòng dân.

Giới bình luận cho rằng, những bất ổn trên chính trường đã và đang khiến cho người dân cảm thấy bi quan về khả năng phát triển của đất nước. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, có tới 92% người Hàn Quốc được hỏi cho rằng, nền kinh tế nước này đang trong tình hình xấu. Và 81% không hài lòng với xu hướng kinh tế hiện nay. Người dân lo lắng, với đà suy giảm kinh tế hiện nay, đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Cuộc khủng hoảng thịt bò Mỹ" cũng đang khiến cho một số cải cách lớn của Tổng thống Lee Myung-bak gặp khó khăn, nhất là trong việc tư nhân hóa các hãng và tập đoàn lớn, cũng như việc cắt giảm thuế cho công ty, giảm bớt nợ thế chấp với người có thu nhập thấp...

Theo giới kinh tế, "Cuộc khủng hoảng thịt bò Mỹ" cùng với những cuộc biểu tình vừa qua đang gây tổn thất lớn cho Hàn Quốc. Chỉ riêng cuộc đình công của 13.000 lái xe tải cũng đã khiến Hàn Quốc mất đi hàng tỉ USD và con số này sẽ lớn hơn nếu như những người này không quay trở lại làm việc.

Trong một động thái nhằm lấy lại lòng tin của người dân, chính phủ vừa thông qua kế hoạch ngân sách bổ sung trị giá 4.900 tỷ won, tương đương với 4,7 tỷ USD để giảm bớt gánh nặng cho người dân do giá nhiên liệu đang tăng cao. Tuy nhiên, kế hoạch này cần được Quốc hội thông qua.

Được biết, trong kế hoạch trợ giá nhiên liệu của năm 2007, chính phủ dự kiến sẽ chi tới 10.000 tỷ won, khoảng 9,8 tỷ USD nhằm giảm thuế nhiên liệu trực tiếp cho những người sử dụng xe ôtô.

Đồng thời thực hiện các biện pháp khác nhằm giảm tác động của tình trạng giá dầu thế giới đang tăng cao và ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế của xứ sở kim chi.

Giới chuyên môn đang quan tâm tới lời đe dọa của nghiệp đoàn Hàn Quốc bởi nếu điều này xảy ra thì nền kinh tế nước này sẽ đứng trước một cuộc khủng hoảng mới. Theo cảnh báo của Hiệp hội Nghiệp đoàn Hàn Quốc, họ sẽ tổng đình công trong tháng tới để phản đối thỏa thuận nhập khẩu thịt bò và các chính sách khác của chính phủ.

Trước đó, nhà hoạt động hàng đầu Park Won-suk từng tuyên bố, nếu chính phủ không chấp nhận đòi hỏi của người dân, họ sẽ tổ chức chiến dịch biểu tình lớn trên phạm vi toàn quốc.

Những trở ngại đang diễn ra sẽ khiến ông Lee Myung-bak khó thực hiện mục tiêu xuyên suốt trong 5 năm tại nhiệm - tạo dựng một chính phủ phục vụ nhân dân, gây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, tạo nên một nền giáo dục chất lượng cao, cùng một hệ thống chăm sóc phúc lợi tốt hơn và một quốc gia hội nhập nhiều hơn với thế giới. Đương nhiên, "Kế hoạch 747" mà Tổng thống Lee Myung-bak công bố tại lễ nhậm chức hôm 25/2 cũng khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Giới bình luận cho rằng, Hàn Quốc đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và "cơn bạo bệnh" xuất phát từ thịt bò Mỹ có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường nếu người ta không nhanh chóng tìm ra giải pháp tối ưu

Quốc Trung
.
.
.