Hải tặc bí ẩn hoành hành ở biển Đông

Thứ Tư, 17/06/2015, 09:47
Không chỉ “nóng” bởi những tranh chấp chưa được giải quyết và đang bị phức tạp thêm bởi những hành động đơn phương từ phía Trung Quốc, biển Đông còn trở thành nỗi lo lớn về an ninh khi có những dấu hiệu có thể có sự xuất hiện của nạn cướp biển. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, 2 tàu chở dầu của Malaysia đã mất tích một cách bí ẩn làm dấy lên những lo ngại mới.

Phập phồng nỗi lo cướp biển

Theo tin từ tờ IBTIMES của Anh số ra ngày 16/6, chính phủ Malaysia hôm 15/6 đã chính thức có lời nhờ các quốc gia khác trong khu vực gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Indonesia hỗ trợ công tác tìm kiếm tàu MT Orkim Harmony bị mất tích hôm 12/6 khi đang giữa hải trình từ Malacca đến Kuantan (Malaysia).

Tàu MT Orkim Harmony bị mất tích hôm 12/6 khi đang giữa hải trình từ Malacca đến Kuantan (Malaysia). Ảnh: The Malaymailonline.

Người đứng đầu Trung tâm thông tin cướp biển của tổ chức hàng hải quốc tế (IMB), Noel Choong cho biết, lần cuối cùng liên lạc được với tàu MT Orkim Harmony là vào tối 11/6. Ngay sau đó, khi con tàu ra tới ngoài khơi Johor, mọi tín hiệu đã biến mất. Cảnh sát biển Malaysia đã huy động một đội tìm kiếm gồm 1.500 người nhưng cho đến chiều 16/6 vẫn chưa có thêm tin tức gì khả quan.

Hiện các cơ quan chức năng khác của Malaysia cũng đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về vụ biến mất này như tàu bị hải tặc tấn công; thủy thủ trên tàu hợp tác với hải tặc hoặc là tàu bị gặp nạn. Đồng thời, các cơ quan này cũng đã ra những cảnh báo, khuyến cáo về tình hình an ninh trên khu vực biển Đông để các tàu thuyền qua lại đây đề phòng.

Hãng Channels Asia dẫn lời một quan chức Malaysia cho hay,  tàu  MT Orkim Harmony có tải trọng 7.300 tấn, mang theo 50.000 thùng xăng RON 95 với một đoàn thủy thủ gồm 22 người, trong đó có 16 người Malaysia, 5 người Indonesia và 1 người Myanmar. Con tàu này thuộc sở hữu của Công ty quản lý tàu Orkim của Malaysia.

Đáng chú ý, đây là tàu chở dầu thứ 2 của hãng này bị mất tích một cách bí ẩn trên cùng một hành trình. Trong vài ngày gần đây, giới chức Malaysia mới xác nhận thông tin rằng, tàu Orkim Victory cũng đã bị một nhóm cướp biển gồm 8 tên được trang bị vũ khí bắt cóc.

Chúng tấn công tàu, nhốt thủy thủ đoàn lại rồi kéo chiếc tàu tới gần đảo Pualu Aur ở ngoài khơi Johor rồi chuyển 770 tấn dầu diesel được chở trên tàu Orkim Victory sang một tàu khác. Trước khi bỏ đi, nhóm hải tặc này cũng đã phá hỏng toàn bộ thiết bị liên lạc trên tàu, lấy đi tất cả các vật dụng quý giá của thủy thủ đoàn.

Kế hoạch tuần tra chung

Dù chưa có cơ sở để xác định rằng tàu MT Orkim Harmony  đã bị hải tặc tấn công nhưng trong tuyên bố đưa ra ngày 15/6, giới chức Malaysia cũng đã nhấn mạnh về việc tăng cường các hoạt động giám sát, tuần tra ở biển Đông. Hiện chưa có một tuyên bố chính thức nào về việc mở rộng tuần tra chung ở biển Đông nhưng theo nguồn tin từ tờ Today Online của Singapore, giới chức các nước Singapore, Malaysia và Indonesia đang thảo luận việc này. Mục đích của việc mở rộng tuần tra, theo Chuẩn đô đốc hải quân Singapore Lai Chung Han là nhằm hạn chế hoạt động của cướp biển. Hoạt động này từng được áp dụng những năm trước và đã có kết quả khá tốt.

Thời gian vừa qua, khi nạn cướp biển trong khu vực giảm thì việc hợp tác tuần tra cũng đã giảm. Tuy nhiên, thống kê mới đây lại cho thấy, trong 2 quý đầu của năm 2015, trung bình cứ hai tuần một lần, cướp biển lại tấn công một trong những tàu chở dầu tại các vùng biển trong khu vực. Trong khoảng thời gian này, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến 38 vụ cướp biển, chiếm 70% trong tổng số 54 vụ trên thế giới. Những tên cướp biển thường chuyển hàng sang tàu khác trước khi thả tàu và thủy thủ đoàn.

Báo cáo từ IMB còn nhấn mạnh, Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng về nạn cướp biển vì hơn phân nửa số hàng hóa của thế giới và 1/3 lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua những tuyến đường biển ở Đông Nam Á. Nước Đông Nam Á được ghi nhận có nhiều vụ hải tặc tấn công nhất là Indonesia, chiếm 40% tổng số vụ cướp biển ở Đông Nam Á từ đầu năm 2015. Vì vậy, theo IMB, các nước Đông Nam Á nên gia tăng hợp tác để chống hải tặc.

Phan Hiển
.
.
.