Gruzia: Vì sao ông Mikhail Saakashvili không được chào đón như trước?

Thứ Hai, 07/01/2008, 10:45
Cựu Tổng thống Mikhail Saakashvili đã đắc cử hôm 5/1. Tuy ông Mikhail Saakashvili đã "vượt rào thành công" trong cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với niềm tin của cử tri kể từ "Cách mạng Hoa hồng" diễn ra năm 2003, nhưng ông không còn được mọi người hân hoan chào đón như 5 năm trước bởi nhiều nguyên nhân.
>> Trước thềm cuộc bầu cử Gruzia: Phe đối lập chia rẽ

Phe đối lập đã lập tức lên tiếng ngay sau khi biết tin cựu Tổng thống Mikhail Saakashvili đắc cử trong cuộc bầu cử hôm 5/1. Theo đó những cuộc biểu tình phản đối cái gọi là gian lận và vi phạm bầu cử sẽ được tổ chức trên nhiều đường phố ở Gruzia sau khi ủy ban Bầu cử Trung ương công bố kết quả.

Theo những kết quả mới được công bố, ông Mikhail Saakashvili đã giành được 53,7% số người ủng hộ. Với kết quả trên, ông Mikhail Saakashvili không những tránh được một cuộc bầu cử vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 19/1, mà còn bỏ xa đối thủ chính là ông Levan Gachechiladze (chỉ nhận được 28,5 % số phiếu ủng hộ) để tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước kể từ khi cuộc "Cách mạng Hoa hồng" diễn ra cách đây 5 năm.

Theo ủy ban Bầu cử Trung ương, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, điều này chứng tỏ người dân muốn có tiếng nói trực tiếp đối với những gì đang diễn ra tại quốc gia vốn có vị trí địa-chính trị quan trọng như Gruzia.

Giới bình luận cho rằng, tuy ông Mikhail Saakashvili đã "vượt rào thành công" trong cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với niềm tin của cử tri kể từ "Cách mạng Hoa hồng" diễn ra năm 2003, nhưng tân Tổng thống không còn được mọi người hân hoan chào đón như 5 năm trước bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, tuy đã đưa Gruzia trở thành thành viên NATO, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9% lên 12%, nhưng tình hình lạm phát vẫn gia tăng khiến thu nhập thực tế của người dân giảm sút, giá nhiên liệu và dịch vụ leo thang, tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến cho uy tín của ông Mikhail Saakashvili ngày một suy giảm.

Theo thống kê, sau gần 5 năm tiến hành cuộc "Cách mạng Hoa hồng", người dân chợt nhận ra rằng, kinh tế của Gruzia chủ yếu sống bằng viện trợ của phương Tây và đại bộ phận dân chúng đang bị bần cùng hoá.

Thứ hai, tuy thế bế tắc trên chính trường đã tạm được phá vỡ, nhưng ông Mikhail Saakashvili tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức từ phe đối lập, trong đó chủ yếu vẫn là những vấn đề cũ.

Theo giới phân tích, phe đối lập không nghĩ ông Mikhail Saakashvili có thể đắc cử dễ dàng sau bao biến cố xảy ra. Họ cho rằng, ông Mikhail Saakashvili sẽ thắng cử, nhưng ở vòng hai và phải liên minh với phe đối lập mới có thể thành lập được Chính phủ. Thậm chí tân Tổng thống còn phải chấp nhận một số yêu sách do phe đối lập đưa ra…

Có lẽ đã dự liệu tới khả năng này nên phe đối lập đã đánh tiếng trước, theo đó sẽ huy động quần chúng xuống đường phản đối kết quả bầu cử "nếu phát hiện có sự gian lận và cựu Tổng thống đắc cử ngay tại vòng một".

Cho đến nay, phe đối lập tiếp tục chỉ trích ông Mikhail Saakashvili độc đoán, quản lý kinh tế yếu kém và tham nhũng. Thậm chí có người còn tuyên bố, ông Mikhail Saakashvili đã phản bội lại "Cách mạng Hoa hồng", lừa dối, thiếu dân chủ và chỉ quan tâm tới việc thu vén cá nhân.

Ban đầu mọi người hy vọng cuộc bầu cử hôm 5/1 sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị bị bế tắc suốt từ tháng 11/2007, nhưng với kết quả hiện nay thì chính cục Gruzia sẽ tiếp tục bị lún sâu vào những tranh chấp không có hồi kết. Thậm chí sự chia rẽ nội bộ trong xã hội cũng như trên chính trường sẽ tiếp tục sâu sắc thêm.

Thứ ba, khó lấy lại niềm tin đối với dư luận trong và ngoài nước. Uy tín của ông Mikhail Saakashvili đã bị giảm sút nghiêm trọng kể từ khi ra lệnh đàn áp các cuộc biểu tình chống Chính phủ hồi tháng 11/2007, thậm chí còn ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy bị dư luận trong nước chỉ trích, nhưng cho đến nay ông Mikhail Saakashvili vẫn nhận được sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây.

Thứ tư, phe đối lập quyết không thể "tay không" khi họ tiến cử doanh nhân Levan Gachechiladze, 43 tuổi, người đứng đầu liên minh gồm 9 đảng đối lập ra tranh cử.

Ngoài ra, những ứng cử viên bị thất cử có thể sẽ liên minh trong một mặt trận chống tân Chính phủ. Có người nói rằng, việc phe đối lập tổ chức biểu tình phản đối kết quả bầu cử đã được ấn định từ trước bởi tuyên bố này đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng trước thềm cuộc bầu cử hôm 5/1.

Một trong những thủ lĩnh đối lập, bà Tina Khidasheli tuyên bố họ đã chứng kiến nhiều sự vi phạm nghiêm trọng trong cuộc bầu cử hôm 5/1. Ứng cử viên đối lập Levan Gachechiladze cũng đưa ra những lời cáo buộc tương tự.

Nhưng các quan chức bầu cử và đại diện của ông Mikhail Saakashvili đã bác bỏ những lời cáo buộc kể trên. Sự bác bỏ của quan chức bầu cử được dư luận quan tâm bởi đã có hàng trăm quan sát viên quốc tế, kể cả quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã có mặt để giám sát cuộc bầu cử hôm 5/1.

Thứ năm, sự chống phá của những phần tử lưu vong. Trong số 6 ứng cử viên thất cử đáng quan tâm nhất là tỷ phú Badri Patarkatsishvili, người đang sống lưu vong ở Anh.

Sự quan tâm của dư luận đối với ông Badri Patarkatsishvili chỉ vì một nguyên do duy nhất - liên tục thay đổi, thậm chí tới phút vẫn "lửng lơ con cá vàng", nhưng tỷ phú lưu vong vẫn được xếp là ứng cử viên triển vọng thứ ba sau ông Mikhail Saakashvili và ông Levan Gachechiladze.

Trước thềm bầu cử, tỷ phú Badri Patarkatsishvili từng bị cáo buộc âm mưu đảo chính khi tìm cách hối lộ một quan chức Bộ Nội vụ 100 triệu USD để ông này giúp tiến hành đảo chính sau cuộc bầu cử 5/1.

Cuối cùng, vấn đề đạo đức của tân Tổng thống. Người từng được coi là "thắp sáng hy vọng cho Gruzia" từng làm một việc thất đức - ép người tình Alana Gakeloeva phá thai, để giữ chiếc ghế Tổng thống cách đây gần 3 năm.

Cuộc tình giữa ông Mikhail Saakashvili với nữ thư ký phụ trách báo chí Alana Gakeloeva khi đó đã làm cho mẹ đẻ ngã bệnh và đệ nhất phu nhân Sandra Rulophs, người chuẩn bị làm mẹ lần thứ 2 tuyệt vọng

Quốc Trung
.
.
.