Giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông

Thứ Hai, 04/06/2012, 08:44
Ngày 3/6, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 11) đã kết thúc tại Singapore. Các nước đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS cũng như các cam kết khu vực mà ASEAN và các nước đối tác đã cùng nhau ký kết.
>> Đối thoại Shangri-La lần thứ 11: Trọng tâm là vấn đề Biển Đông

Sau 3 ngày thảo luận với nhiều chủ đề nóng của khu vực, ngày 3/6, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 11) đã kết thúc tại Singapore.

Dư luận quan tâm tới bài phát biểu với tựa đề "Sự tái cân bằng của Mỹ hướng tới châu Á-Thái Bình Dương" của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ,bởi khẳng định cam kết của Washington trong việc tăng cường hòa bình và an ninh khu vực.

Ông Leon Panetta cũng nêu quan điểm của Washington về chiến lược quân sự, ý tưởng về cơ chế xử lý các vấn đề Mỹ-Trung Quốc, cũng như ủng hộ mạnh mẽ quyết định tăng tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) từ 3 năm/lần lên 2 năm/lần, đồng thời nhấn mạnh các cơ chế hợp tác khu vực cần đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển, cũng như ủng hộ đối với nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ông Leon Panetta cũng tuyên bố, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ cải thiện an ninh khu vực và điều này đem lại lợi ích cho Trung Quốc, và lần đầu tiên công bố chi tiết chiến lược quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân với mục tiêu đến năm 2020 có 60% tàu chiến Mỹ hoạt động tại khu vực này.

Ông Leon Panetta tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11.

Bên cạnh đó, 6 trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại khu vực này cho dù hải quân Mỹ hiện có 282 tàu, trong đó có cả tàu hộ tống. Nhiều người coi đây là hành động can dự nhưng không gây bất ổn cho khu vực mà Mỹ muốn tiến hành tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo thống kê, riêng trong năm 2011, Mỹ đã tiến hành 172 cuộc tập trận với 24 quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương.

An ninh mạng, chiến tranh thông tin và bảo vệ tự do hàng hải cũng được các đại biểu tham dự hội nghị quan tâm bởi tuy tiếp cận từ những góc độ khác nhau, nhưng các diễn giả đều có chung quan điểm: Để bảo vệ tự do hàng hải nói riêng và an ninh biển nói chung, nhất thiết không được sử dụng sức mạnh quân sự, phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và các điều ước khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hay COC trong tương lai.

Thứ trưởng Quốc phòng Shu Watanabe, Trưởng đoàn đại biểu Nhật Bản cho rằng, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện an ninh hàng hải và Mỹ cần đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và ổn định khu vực. Ông Shu Watanabe cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong chi tiêu quốc phòng - năm 2012, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 11,2% lên 106 tỉ USD và đây là một mối đe dọa.

Cũng tại Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã có nhiều cuộc gặp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các đối tác như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Australia, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Tại cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tái khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ trên nhiều trụ cột, nhất là trong một số lĩnh vực quốc phòng như đào tạo, công nghiệp quốc phòng.

Bộ trưởng A.K. Antony cũng nhấn mạnh, tăng cường quan hệ với Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ và mong muốn Việt Nam sẽ ủng hộ Ấn Độ trên các diễn đàn đa phương, đồng thời khẳng định, tự do hàng hải không phải là đặc quyền dành riêng cho một số quốc gia và cần phải tìm sự cân bằng giữa quyền lợi quốc gia và quyền tự do của cộng đồng thế giới. Ông A.K. Antony cho rằng, Trung Quốc phải đàm phán với ASEAN, chứ không phải từng quốc gia trong khu vực về tranh chấp trên Biển Đông.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã gặp Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, tướng Samuel Locklear, Tham mưu trưởng Quân đội Singapore cùng trưởng đoàn các nước Australia, Anh, Canada. Trong các cuộc tiếp xúc song phương này, bên cạnh việc bàn thảo các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng, đoàn Việt Nam và các nước hữu quan cũng trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Các nước đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS cũng như các cam kết khu vực mà ASEAN và các nước đối tác đã cùng nhau ký kết.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, khi tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, tất cả các nước đều phải có cách hiểu và luận giải giống nhau về luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý phải được tôn trọng triệt để.

Ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tới Việt Nam và ghé thăm USNS Richard E. Byrd, tàu vận tải đang được sửa chữa tại xưởng đóng tàu Cam Ranh. Đây là tàu thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ, chuyên vận chuyển hàng hóa tới các lực lượng quân sự Mỹ trên khắp thế giới. Ông Leon Panetta cho rằng, Mỹ cam kết lâu dài trong việc đẩy mạnh quan hệ quốc phòng song phương với Việt Nam, dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời hy vọng chuyến thăm Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy những nỗ lực tìm kiếm và nhận dạng di hài của binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Trước đó (2/6), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, chính quyền Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực thúc đẩy phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Mỹ cần là một thành viên.

Trung Quốc đã có phản ứng sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, theo đó Bắc Kinh sẽ tăng cường cảnh giác sau khi Mỹ tuyên bố triển khai hầu hết hạm đội tàu chiến của họ tới châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020. Trong khi đó, Manila cũng vừa yêu cầu Bắc Kinh thực hiện những gì đã tuyên bố và không gieo mầm mống căng thẳng. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tờ China Daily đăng xã luận chỉ trích việc Manila tuyên bố chủ quyền đối với các đảo mà họ cho là thuộc Trung Quốc. Trung Quốc và Philippines đã bất đồng và khẩu chiến xung quanh bãi đá không người ở trên Biển Đông mang tên Hoàng Nham/Scaborough và chưa có dấu hiệu dịu bớt bởi cả hai đều tuyên bố chủ quyền.

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.