Giải quyết hòa bình các tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế
Ngày 25/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: "Việt Nam hết sức quan tâm và lo ngại về tình hình tranh chấp bãi cạn Scarborough. Chúng tôi cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và khu vực".
Trước đó một ngày, xung quanh vấn đề Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Lương Thanh Nghị cũng nêu rõ: "Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Việc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc công bố thực thi bản "Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc" là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trung Quốc phải hủy bỏ ngay bản quy hoạch nêu trên, nghiêm túc tuân thủ DOC, không có thêm hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông"