Gia tăng khủng hoảng và chiến dịch tháo chạy khỏi Yemen

Chủ Nhật, 05/04/2015, 09:46
Ngày 4/4, Nga tiếp tục kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức cuộc họp khẩn cấp về tình hình ở Yemen và ngăn liên minh do Arab Saudi không kích vào quốc gia này với lý do nhân quyền. Trong khi đó, cuộc chiến chống phiến quân Houthi đang đẩy quốc gia Trung Đông này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo với sự tháo chạy của phần lớn công dân nước ngoài.

Cho đến nay, có đến hơn chục quốc gia đã hoàn tất việc sơ tán công dân nước họ khỏi vùng chiến sự ở Yemen.

Mới đây, vào ngày 3/4, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nốt 55 công dân về nước trong khi Pakistan sơ tán được thêm 176 công dân tới khu vực an toàn bên ngoài Yemen.

Do chiến sự leo thang nên hiện giờ, con đường thoát thân được cho là tương đối an toàn ở Yemen là đi từ thành phố Aden, nơi chính quyền Tổng thống Hadi đang cố thủ tới Djibouti bằng đường thủy rồi từ đó bay ra nước ngoài.

Hiện, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ và một số tàu của Trung Quốc đang hỗ trợ công dân các quốc gia như Ethiopia, Singapore, Italia, Đức, Ba Lan, Ireland, Canada ra khỏi vùng chiến sự.

Nguồn tin từ hãng AP cho hay, hôm 3/2, Chính phủ Pakistan đã triệu tập phiên họp khẩn cấp và đề nghị Quốc hội triệu tập nghị sĩ vào ngày 6/4 để thảo luận về việc gia nhập liên minh do Arab Saudi đứng đầu chống lại phiến quân Houthi.

Bộ Quốc phòng Pakistan cho biết, hiện vẫn còn khoảng 250 công dân nước này bị mắc kẹt ở Yemen và sẽ được chính phủ đưa về chậm nhất là vào ngày 7/4.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang ráo riết việc sơ tán công dân ra khỏi thủ đô Sanaa và một số thành phố khác.

Al-Qaeda đang lợi dụng tình hình rối ren ở Yemen để mở rộng hoạt động và phạm vi kiểm soát tại quốc gia Trung Đông này. Ảnh: Reuters

Hôm 27/3, hạm đội hải quân Trung Quốc còn tạm dừng nhiệm vụ tuần tra ở vịnh Aden mà nước này đã thực hiện liên tục từ năm 2008 đến nay để tham gia chiến dịch rút công dân ở Yemen về nước. Sau đó một ngày, LHQ cũng đã sơ tán hơn 100 nhân viên. Riêng Anh, Pháp ngay từ tháng 2 đã tuyên bố đóng cửa Đại sứ quán ở Yemen và liên tục cử các phái đoàn hỗ trợ đưa công dân về nước…

Như vậy, cho đến nay, cuộc khủng hoảng an ninh ở Yemen đang ngày càng trầm trọng và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, nhất là từ sau khi phiến quân Houthi giải tán Quốc hội Yemen và tuyên bố sẽ thiết lập một chính quyền lâm thời hồi tháng 2.

LHQ đã nhiều lần nỗ lực đàm phán để hòa giải vấn đề ở Yemen song không thành.

Trong một phiên họp khẩn hôm 1-4 vừa qua, Cao ủy LHQ về nhân quyền Raad Al Hussein đã nhấn mạnh, tình hình nhân đạo tại Yemen đang “cực kỳ đáng báo động” với hàng trăm dân thường bị sát hại chỉ trong vòng 1 tuần.

Ông Raad Al Hussein còn cảnh báo quốc gia Trung Đông này dường như đang đứng trước bờ vực “một sự sụp đổ hoàn toàn”.

Hội chữ thập đỏ quốc tế thì lo ngại các nhân viên của tổ chức này vẫn chưa nhận được những đảm bảo an ninh cần thiết để các máy bay viện trợ có thể hạ cánh xuống Yemen.

Trong một diễn biến khác, phiến quân Houthi đã rút khỏi quận Crater và một dinh thự của Tổng thống Hadi tại Aden. Lãnh sự quán của Nga ở thành phố này cũng đã bị phiến quân Hồi giáo dòng Shiites chiếm dụng.

Còn tại thành phố Mukalla, thủ phủ tỉnh Hadramawt, các tay súng Al-Qaeda liên minh với phiến quân Houthi đã chiếm các tòa nhà chính phủ, thả khoảng 300 tù nhân bị giam giữ, trong đó có Khaled Batrafi, một chỉ huy cấp cao của Al-Qaeda bị buộc tội chủ mưu nhiều vụ tấn công khủng bố trước đây.

Nhiều quốc gia đang lo ngại, sự tham gia của Al-Qaeda có thể sẽ khiến tình hình ở Yemen càng trở nên phức tạp. Nỗi lo đó đã khiến Arab Saudi tính đến việc sử dụng bộ binh hỗ trợ không quân trong cuộc chiến chống lại phiến quân Houthi.

Vì thế, hôm 1-4, Arab Saudi đã tập hợp quân lính dọc biên giới với sự hỗ trợ từ Pakistan và một số quốc gia khác.

Hải quân Mỹ cũng đã quyết định tham gia hỗ trợ liên minh quân sự này. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình hình ở Yemen.

Hôm 3/4, trưởng phái đoàn đại diện của Nga tại LHQ Aleksey Zaytsev bày tỏ lo ngại nguy cơ quốc tế hóa cuộc chiến ở Yemen.

Còn Lebanon thì tuyên bố sẵn sàng đăng cai tổ chức cuộc đối thoại giữa các chính đảng đối đầu của Yemen vì đây là cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng.

Phan Hiển
.
.
.