Dư luận quốc tế về quyết định từ chức của đặc phái viên Kofi Annan tại Syria

Thứ Bảy, 04/08/2012, 00:55
Dư luận quốc tế đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về vấn đề Syria, ông Kofi Annan thông báo sẽ từ chức vào cuối tháng này.
>>Mỹ viện trợ 25 triệu USD cho lực lượng nổi dậy ở Syria

Trong khi Damascus lấy làm tiếc về quyết định từ chức của ông Kofi Annan, đồng thời cáo buộc các nước tìm cách gây bất ổn Syria đã ngăn cản và tiếp tục cản trở sứ mệnh hòa bình của cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc thì Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lấy làm tiếc khi ông Kofi Annan không đảm giữ vai trò phái viên hòa bình quốc tế về Syria và mô tả tình hình ở nước này là một bi kịch, nhưng vẫn nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực ở Syria.

Trước đó (23/7), ông Putin từng cảnh báo về một cuộc nội chiến kéo dài ở Syria nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phe nổi dậy tước bỏ quyền lực một cách vi hiến. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh lấy làm tiếc song hiểu quyết định của ông Kofi Annan, đồng thời đánh giá cao vai trò tích cực và xây dựng của cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria, ủng hộ mọi đề xuất có thể giúp giải quyết vấn đề Syria một cách hòa bình, công bằng và phù hợp. Trung Quốc nhấn mạnh, Liên hợp quốc cần tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được giải pháp cho vấn đề Syria.

Đại sứ Vitaly Churkin của Nga tại Liên hợp quốc đã chỉ trích các cường quốc phương Tây khi cho rằng, việc phản đối của các cường quốc này về những đề xuất hợp lý và công bằng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ đầu đã làm suy yếu nỗ lực hòa bình của ông Kofi Annan.

Nhưng Mỹ và Đức lại đổ lỗi cho Syria, Nga và Trung Quốc là nguyên nhân khiến ông Kofi Annan từ chức. Washington chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad không tuân thủ kế hoạch hòa bình được Liên hợp quốc ủng hộ, cũng như việc Nga và Trung Quốc 3 lần ngăn cản các nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cũng thừa nhận, kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan vẫn là khuôn khổ để Washington tiếp tục thúc đẩy các chính sách của mình tại Syria. Nhưng Mỹ vẫn công khai ủng hộ phe đối lập Syria cho dù Nhà Trắng luôn khẳng định, chỉ viện trợ các thiết bị không sát thương cho lực lượng này. Được biết, Tổng thống Barack Obama đã ký một văn bản cho phép CIA thực hiện các điệp vụ mật tại Syria và bí mật ủng hộ phe đối lập.

Ông Kofi Annan.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho rằng, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã không tuân theo những cam kết thực hiện kế hoạch hòa bình của ông Kofi Annan. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton ngoài việc lấy làm tiếc trước quyết định từ chức của ông Kofi Annan, còn cam kết tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Liên hợp quốc và AL bởi kế hoạch hòa bình 6 điểm vẫn là hy vọng lớn nhất cho người dân Syria và bất cứ hành vi tăng cường hoạt động quân sự nào của các bên chỉ khiến cho người dân Syria cũng như toàn khu vực gánh thêm hậu quả. Sau khi bày tỏ lấy làm tiếc trước việc từ chức của ông Kofi Annan, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết nhằm chấm dứt bạo lực và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Syria. Ngoại trưởng Anh William Hague khẳng định, kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Kofi Annan vẫn là phương án tốt nhất để chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài 17 tháng ở Syria.

Trong tuyên bố từ chức, ông Kofi Annan cho biết, kiểu tiếp tục đổ trách nhiệm và bêu xấu nhau tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một trong những lý do khiến ông ra đi. Giới truyền thông đưa tin, khi đưa ra quyết định từ chức, ông Kofi Annan kêu gọi Nga và Mỹ gánh vác trách nhiệm cứu Syria khỏi cuộc nội chiến thảm khốc.

Ông Kofi Annan cũng cho rằng, các cường quốc phương Tây, cùng Arab Saudi và Qatar phải tăng sức ép buộc phe đối lập thực hiện quá trình chuyển đổi chính trị hoàn toàn. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chấp nhận đề nghị từ chức của ông Kofi Annan với sự nuối tiếc sâu sắc và cho biết, Liên hợp quốc đang tìm người thay thế. Ông Ban Ki-moon ngoài việc thông báo quyết định rút khỏi cương vị đặc phái viên chung của ông Kofi Annan, còn cho biết, đang chuẩn bị các đề xuất về tương lai của phái bộ Liên hợp quốc tại Syria (UNMIS) trong bối cảnh thời hạn hoạt động của UNMIS sẽ kết thúc vào ngày 20/8.

Về phần mình, ngoài việc cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò chính trong việc hậu thuẫn khủng bố bằng việc mở sân bay và biên giới cho các tay súng Al-Qaeda cũng như các lực lượng thánh chiến Hồi giáo khác tiến hành các vụ tấn công vào bên trong lãnh thổ Syria, Bộ Ngoại giao Syria còn chỉ trích Mỹ và Pháp bởi 2 nước này đã cung cấp tài chính trực tiếp cho các nhóm vũ trang ở Syria và trang bị cho chúng các phương tiện liên lạc để thực hiện các hành động tội ác.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Herve Ladsous xác nhận, lực lượng nổi dậy ở Syria có vũ khí hạng nặng (cả xe tăng và xe bọc thép). Trong khi đó, ngày 3/8, phe đối lập cho biết, máy bay lên thẳng của quân đội Syria đã tiêu diệt 16 phiến quân trong một trận oanh kích vào đồng bằng Hauran ở miền Nam. Vụ việc xảy ra sau khi các tay súng đối lập tấn công một chốt kiểm soát của quân đội Syria ở gần thị trấn Busra al-Harir và bị máy bay truy kích hôm 2/8. Được biết, tình hình chiến sự ở thành phố Aleppo vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có nguồn tin độc lập về vấn đề này. Cũng trong ngày 2/8, Tổng thống Bashar al-Assad đã ra lời hiệu triệu bằng văn bản, thúc giục quân đội tăng cường chiến đấu chống lại quân nổi dậy

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.