Động đất, sóng thần ở Nhật Bản: Ít nhất 50 người chết

Thứ Sáu, 11/03/2011, 20:32
Một trận sóng thần tiếp ngay sau một trận động đất (mạnh thứ 7 trong số các trận động đất từng được ghi nhận) đổ bộ vào miền Bắc Nhật Bản vào hôm nay. Theo thông tin của Tân Hoa Xã, ít nhất đã có 50 người chết và rất nhiều người bị thương. Rất nhiều ô tô, nhà cửa, tàu thuyền bị cuốn trôi và vùi lấp.

Tâm chấn của trận động đất các thủ đô Tokyo 373 km (231 dặm) cơ quan khảo sát địa chất Mỹ cho biết và thêm rằng động đất mạnh tới 8,9 độ Richter. Cơ quan chức năng của  Nhật cho biết 3 người đã thiệt mạng sau cơn địa chấn dữ dội này.

>> Ảnh: Sóng thần, động đất kinh hoàng tại Nhật Bản

Nhiều ôtô bị sóng thần cuốn trôi. Ảnh: Xinhuanet.

Ảnh: AP.

Phóng viên VP thường trú của AP tại Tokyo tự "tìm nơi trú ẩn trong trận động đất. Ảnh: AP.

Tại Tokyo, người dân tập trung khá đông trên đường phố và cố gắng liên lạc với người thân trong khu vực ảnh hưởng của sóng thần qua điện thoại di động.

Trận động đất hôm nay kéo theo những đợt sóng thần cao tới 4 mét. Tại cảng Sensai, tỉnh Miyagi, sóng thần còn lên cao tới 10 mét. Truyền hình Nhật phát đi hình ảnh những ngôi nhà bị sóng thần cuốn trôi. Đường băng tại sân bay Sensai ngập nước trong khi hàng chục người phải đứng trên nóc của tòa nhà chờ. Tại bờ biển ở tỉnh Fukushima, sóng thần cao tới 7 mét.

Trận động đất “kèm” sóng thần gây ra mất điện trong khoảng 4 triệu gia đình ở Tokyo và các khu vực xung quanh. Ít nhất 10 vụ hỏa hoạn được ghi nhận ở Tokyo.

Nhiều người cố gắng liên lạc với người thân qua ĐTDĐ. Ảnh: AFP.

Trận động đất là mới nhất trong một loạt các thảm họa thiên nhiên trong khu vực vào tuần này. Cơ quan chức năng từ Nhật cho hay, sáng sớm hôm qua, một trận động đất với cường độ 6,3 độ richter tấn công ngoài khơi bờ biển Honshu. Một ngày trước đó, tại Honshu cũng đã xảy ra một trận động đất 7,2 độ richter.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan xuất hiện trên truyền hình quốc gia ngay sau khi trận động đất, kêu gọi người dân giúp đỡ lẫn nhau nhưng phải giữ bình tĩnh và thận trọng để giảm thiểu các thiệt hại. Ông cho biết các khu vực ven biển phía đông bắc của đất nước đang gánh chịu "thiệt hại lớn".

Thủ tướng Nhật cho biết, các cơ sở điện hạt nhân của Nhật Bản ở vùng đông bắc đã tự động ngừng hoạt động và chưa có bằng chứng nào chứng tỏ có sự rò rỉ chất phóng xạ từ các nhà máy hạt nhân này.

Cụ thể, theo báo chí nước ngoài, tổng cộng có 11 lò phản ứng hạt nhân đã tự động ngưng hoạt động tại nhà máy Onagawa, Nhà máy Fukushima 1 và 2 và nhà máy Tokai 2, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết. Chưa có thông tin nào về những cháy nổ hoặc bất thường khác ở gần các nhà máy hạt nhân.

Ông Naoto Kan cũng nói, Chính phủ Nhật đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp nhằm nỗ lực cứu hộ. Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ, Yukio Edano, cho biết, nước này gửi quân đội đến khu vực bị động đất để tham gia cứu trợ. “Chính phủ sẽ thực hiện một nỗ lực toàn diện để đảm bảo sự an toàn của tất cả người dân cũng như giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất", Thủ tướng Naoto Kan nói.

Hàn Quốc sẵn sàng gửi một nhóm các nhân viên cứu hộ khẩn cấp dến vùng đông bắc Nhật Bản vừa ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất 8,9 độ richter, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay. "Chính phủ bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản" phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo. "Chúng tôi đã lên có kế hoạch hợp tác tối đa với Nhật Bản trong việc khắc phục thảm hoạ này".

Hàn Quốc cho biết chưa ghi nhận được thiệt hại gì đối với người dân Hàn Quốc dù có khoảng 910.000 người Hàn Quốc đang ở Nhật Bản và 10.000 người trong số họ sống gần thành phố Sendai ở miền bắc Nhật Bản, nơi xảy ra trận động đất và sóng thần.

Trận động đất này được các nhà khoa học đánh giá là mạnh thứ 7 trong số các trận động đất từng được ghi nhận.

Cơ quan cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cũng phát cảnh báo đối với một loạt các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nga, quần đảo Mariana, Guam, Philippines, quần đảo Marshall, Indonesia, Papua New Guinea, Nauru, Micronesia và Hawaii.

Tuy nhiên, trả lời báo chí về trận động đất vừa xảy ra ở Nhật Bản gây sóng thần, TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, sóng thần không có khả năng ảnh hưởng tới Việt Nam. Khi sóng thần lan xuống giữa vùng biển giữa Đài Loan và Philippines sẽ bị suy yếu, năng lượng sóng vào đến biển Đông là rất nhỏ và “không có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam,” ông Minh nói.

Lần cuối cùng một trận động đất dữ dội xảy ra ở Tokyo là vào năm 1923 khi cơn địa chấn Kanto Vĩ đại cướp đi sinh mạng của 140.000 người, đa phần là trong các vụ hỏa hoạn. Năm 1825, động đất mang tên Ansei Edo cũng khiến thành phố này bị hư hại nhiều. Gần đây nhất, trận động đất Kobe năm 1995 khiến 6.400 người chết.

Năm 2004, hơn 220.000 người thiệt mạng khi địa chấn mạnh 9,1 độ Richter ập đến Indonesia, kéo theo sóng thần tàn phá các khu vực quanh Ấn Độ Dương.

Trận động đất mạnh nhất thế giới được ghi nhận diễn ra tại Chile ngày 22/5/1960, với cường độ 9,5 độ richter.

Theo chinhphu.vn, được tin ngày 11/3, tại nhiều vùng của Nhật Bản đã xảy ra động đất và sóng thần gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện tới Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, bày tỏ lời thăm hỏi chân thành đến nhân dân vùng bị nạn.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto.

Liên quan đến sự việc, các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nhật Bản cho biết đã tìm hiểu tình hình và cho biết đến nay chưa có thông tin về tổn thất đối với công dân Việt Nam tại Nhật Bản.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản theo dõi sát tình hình để kịp thời có các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

Người dân Nhật Bản trong các toà nhà lo lắng khi động đất xảy ra. Ảnh: Xinhuanet.

Do ảnh hưởng của động đất, một mảng trần trong hiệu sách tại thành phố Sendai rơi xuống làm khách hàng một phen hoảng loạn. Ảnh: AP.

PV (tổng hợp)
.
.
.