Đối thoại Shangri-La 13, Singapore: Ngăn chặn không xảy ra xung đột chiến tranh
Ngày 31/5, ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13, diễn ra tại Singapore từ 30/5 – 1/6, các bên tham gia hội nghị tiếp tục lên án Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh phải ngay lập tức chấm dứt các hành vi gây bất ổn với mục đích hỗ trợ cho những yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông. Trong đó, “nổi bật nhất” là việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống bảo vệ vào hoạt động trái phép sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam khẳng định theo đuổi hòa bình
Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Quản lý những căng thẳng chiến lược”, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu rõ: “Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không xảy ra xung đột, chiến tranh”.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, trước hết các nước “cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ”.
Cũng trong bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đề cập đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, “đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng” và rằng:
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại phiên họp Đối thoại Shangri-La 13. |
“Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay”. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình, ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước.
Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước ủng hộ Việt Nam
Trong cuộc họp báo trước khi diễn ra ngày làm việc thứ 2 của Đối thoại Shangri-La 13, ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel chỉ trích Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, cũng như hạn chế Philippines tiếp cận bãi Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), gây sức ép lên sự hiện diện lâu nay của Manila ở bãi Second Thomas (bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là bãi Nhân Ái) và bắt đầu cải tạo đất đai ở nhiều vị trí khác nhau.
Ông Hagel nhấn mạnh: “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông” đồng thời khẳng định, mặc dù không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau này, nhưng Washington “kiên quyết phản đối bất cứ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định đòi hỏi chủ quyền”. Ông Hagel cho biết thêm rằng, Mỹ cam kết tái cân bằng địa chính trị ở khu vực và “sẽ không nhìn sang nơi khác một khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế vẫn đang bị thách thức ở đây”. Bên cạnh đó, vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực mới của Nhật Bản trong việc “tái định hướng quyền Tự vệ tập thể của mình theo hướng tích cực giúp đỡ xây dựng trật tự khu vực hoà bình và vững chắc”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Trước đó, phát biểu trong phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 13 hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết ủng hộ Việt Nam và Philippines trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ. Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, ông Abe nói Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần duyên cho cả Philippines và Việt Nam, hai nước bị Trung Quốc liên tục quấy nhiễu trên vùng Biển Đông. Ông Abe nêu rõ: “Nhật Bản sẽ ủng hộ hết mình những nỗ lực của các nước ASEAN khi họ hành động để đảm bảo an ninh trên biển và trên không, cũng như duy trì triệt để sự tự do hàng hải và tự do hàng không...” đồng thời nhấn mạnh tất cả các nước cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế về biển.
Cùng ngày, bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel.
Trung Quốc đuối lý
Trước việc bị chỉ trích mạnh mẽ ngay từ phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La 13 về những hành động gây hấn của mình với các nước láng giềng thời gian qua, Trung Quốc đã có những phát ngôn thể hiện những phản ứng tiêu cực, tìm cách đổ lỗi cho các nước khác, nhằm lấp liếm những hành động sai trái của Trung Quốc. Ngày 31/5, Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Vương Quán Trung lên án Mỹ đã đưa ra “các đe dọa” sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc Bắc Kinh châm ngòi cho những căng thẳng trên Biển Đông đang tranh chấp.
Trước đó, tại cuộc gặp ngắn với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bên lề Đối thoại Shangri-La, trước đề nghị của phía Nhật Bản về việc thiết lập cơ chế trên biển nhằm phòng ngừa xung đột, ông Vương Quán Trung không những không chấp nhận, mà còn quay sang chỉ trích Nhật Bản là “sai lầm” và “vi phạm chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế”. Tuy nhiên, đại diện phía Trung Quốc không đưa ra được lập luận nào khẳng định đối phương “vi phạm chuẩn tắc quốc tế”.
Cũng trong ngày 31/5, tờ Strair Time (Singapore) dẫn lời phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La 13 của bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, cho biết, Trung Quốc và Việt Nam phải tự cùng nhau tìm ra giải pháp cho xung đột trên biển và không có chỗ cho Mỹ trong xung đột này. Tuy vậy, bà Phó Oánh lại thể hiện thái độ hoà dịu với Mỹ với việc bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ chia sẻ lợi ích chung trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác nhưng vẫn lặp lại giọng điệu cũ khi cho rằng “căng thẳng ở Biển Đông gần đây là do hành động khiêu khích của một số nước”.
Trước đó, ngày 30/5, phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Malaysia Najib Razak đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc 6 ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phủ nhận việc Trung Quốc đang gây căng thẳng và khẳng định tình hình hiện tại ở Biển Đông ổn định và Trung Quốc không bao giờ gây rối, tuy nhiên, trên thực tế, hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, thế giới đã thấy rõ và lên án mạnh mẽ Trung Quốc trong thời gian qua.
Còn ở trong nước, các tờ báo Trung Quốc vẫn tiếp tục với nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, lừa bịp, che mắt dư luận. Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 31/5 đăng tải bài bình luận có tiêu đề “Bài hùng biện của ông Abe tại Đối thoại Shangri-La cải trang cho tham vọng quân sự” trong đó thể hiện lo ngại quan điểm an ninh mới do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra tại Đối thoại Shangri-La (Abe Doctrine) sẽ làm lu mờ “quan điểm an ninh mới ở châu Á” do lãnh đạo Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị cấp cao Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vừa diễn ra tại Thượng Hải.
Còn tờ Thời báo Hoàn Cầu thì bày tỏ hi vọng Trung Quốc sẽ có thể lấp liếm được những hành động sai trái của mình, cụ thể là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa của Việt Nam bằng lực lượng hùng hậu tham dự Đối thoại Shangri-La, và đặc biệt với tài ngụy biện của bà Phó Oánh và quan điểm cứng rắn của ông Vương Quán Trung. Nhưng, bộ mặt thật về vấn đề biển Đông của Trung Quốc thì thế giới đã thấy rõ