Điều tra vụ biển thủ 15,8 triệu USD tiền công quỹ tại Hy Lạp

Thứ Bảy, 05/01/2013, 08:54
Ngày 4/1, Chính phủ Hy Lạp tiếp tục đối mặt với sức ép lớn từ Liên minh châu Âu (EU) sau khi báo chí phanh phui vụ scandal biển thủ công quỹ lên tới 12 triệu Euro (tương đương 15,8 triệu USD) tại cơ quan du lịch quốc gia Hy Lạp (GNTO). Nguyên do là bởi vì trước đó chưa đầy nửa tháng, EU đã phải cố gắng tìm được sự đồng thuận giữa các thành viên trong việc tiếp tục viện trợ cho nước này hàng chục tỷ USD để cứu nền kinh tế.

Theo tin từ tờ Greek Reporter, đến chiều 4/1, cơ quan điều tra đã bắt giữ tổng cộng 5 cựu quan chức cấp cao trong GNTO với cáo buộc biển thủ công quỹ và làm hụt két 15,8 triệu USD. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Du lịch Hy Lạp Olga Kefaloyianni khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để tiến hành kiểm tra và rà soát lại các sổ sách, chứng từ thể hiện nguồn tài chính của GNTO.

Còn Tổng thư ký GNTO Panos Livadas thì cho hay, có rất nhiều khuất tất đằng sau những việc xảy ra trước khi ông lên nắm quyền. Trong số những người bị bắt, có Costas Vasilakov, cựu chuyên viên cố vấn đặc biệt cho cựu Tổng thư ký GNTO Nikos Karahalios.

Ông Costas Vasilakov bị cáo buộc sử dụng tới 147.600 Euro (gần 200.000 USD) của GNTO để trả cho các dịch vụ khống, trong đó có những dịch vụ được vẽ ra dưới hình thức thuê khách sạn nghỉ trên đảo Syros ở vùng biển Aegean, nơi chỉ cách Thủ đô Athens 150km về phía Đông Nam. Ngay sau khi ông Costa Vasilakov bị bắt, ông Nikos Karahalios cũng đã bị yêu cầu xuất hiện tại trụ sở Cảnh sát ở Athens.

Cho đến nay, ông Nikos Karahalios vẫn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc làm chứng từ khống của Costas Vasilakov. Thậm chí, trong buổi gặp gỡ giới báo chí, cựu Tổng thư ký GNTO còn cho rằng, những cáo buộc này không đúng và đang nhằm mục đích đe dọa tiền đồ chính trị của ông. Tuy nhiên, ông Nikos Karahalios lại không thể giải thích được lý do tại sao mà ông Costas Vasilakov lại được giao cầm hai cuốn sổ séc có sẵn chứ ký của ông để lấy tiền từ các tài khoản của GNTO chỉ một ngày sau khi ông rời nhiệm sở hôm 20/12/2012.

Cựu Tổng thư ký GNTO Nikos Karahalios cũng phải chịu thẩm vấn tại trụ sở cảnh sát Athens sau khi cố vấn của ông là Costas Vasilakov bị bắt.

Được biết, ngoài 5 cựu quan chức GNTO, hồi tháng 12 năm ngoái, cảnh sát cũng đã bắt giữ một doanh nhân 44 tuổi, hai đối tác làm ăn với GNTO ở độ tuổi 30 và một người làm nghề tự do nhưng lại được các lãnh đạo GNTO tin dùng và giao nhiều việc quan trọng.

Có thể nói, scandal của GNTO là cú sốc mạnh đối với ngành "công nghiệp không khói" ở Hy Lạp nói riêng và nền kinh tế đang chìm trong nợ nần nói chung, nhất là khi ngành nghề này lại chiếm khoảng 18% GDP và 1/5 tổng số việc làm của đất nước. Hy Lạp đã phải trải qua năm thứ 6 suy thoái kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Hy Lạp, hiệu quả kinh doanh của ngành Du lịch Hy Lạp ngày càng sa sút và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế trong những năm qua. Năm 2012, ước tính doanh thu ngành Dịch vụ ăn uống của Hy Lạp đã giảm khoảng 40%, từ mức 3 tỷ Euro xuống 1,8 tỷ Euro.

Riêng tại Thủ đô Athens đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp đóng cửa và khoảng 30.000 người mất việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đạt mức cao kỷ lục trên 25%. Kế hoạch thúc đẩy ngành Du lịch của Chính phủ Hy Lạp là một động cơ quan trọng để đưa đất nước "nợ đầm đìa" này thoát khỏi cuộc khủng hoảng và nguy cơ vỡ nợ.

Bộ trưởng Du lịch Olga Kefalogianni cho biết, Chính phủ Hy Lạp dự định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong ngành ăn uống từ mức 23% hiện nay xuống 13% vào năm 2013, như là một phần nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế và tăng cường thu hút khách du lịch.

Có như vậy thì Hy Lạp mới mong đạt được kỷ lục mới trên 17 triệu khách du lịch trong năm 2013. Cũng theo tờ Greek Reporter, GNTO là tổ chức du lịch có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của Hy Lạp ra bên ngoài, chủ yếu thông qua các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị. Ngân sách hằng năm dành cho các hoạt động của GNTO là khá lớn. Vì vậy, một khi chính phủ quyết tâm thực hiện kế hoạch thúc đẩy ngành Du lịch thì vai trò của GNTO trong hoạt động này cũng không nhỏ.

Song với bê bối này, nhiều người lo ngại ngân sách hạn chế của Hy Lạp vẫn có thể sẽ trở thành miếng mồi ngon để giới chức GNTO xà xẻo nếu như chính phủ không có một cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Mà trên thực tế, những sai phạm GNTO chỉ bị lộ khi các nhà kiểm toán yêu cầu kiểm tra sổ sách của GNTO và phát hiện ra một loạt giao dịch bất hợp lý trong giai đoạn từ năm 2003 trở lại đây, tổng cộng trị giá khoảng 12 triệu Euro (tương đương 15,8 triệu USD)

Gia Nam
.
.
.