Diễn đàn kinh tế Davos: Cảnh báo về những rủi ro kinh tế thế giới năm 2013

Chủ Nhật, 27/01/2013, 15:35
Với hơn 250 cuộc họp và hội thảo của khoảng 2.500 đại biểu đến từ trên 100 quốc gia và 1.400 tổ chức quốc tế, trong đó có hơn 1.600 lãnh đạo doanh nghiệp và trên 45 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ chứng tỏ, dư luận thế giới đang rất quan tâm tới những gì đang diễn ra tại Diễn đàn kinh tế thế giới (còn gọi là Diễn đàn kinh tế Davos - Davos Forum/WEF) từ 22 đến 27/1. Bởi các đại biểu thảo luận về nhiều vấn đề, lĩnh vực, trong đó đưa ra những đánh giá về tình hình, cũng như nhấn mạnh tới các rủi ro của nền kinh tế thế giới thời gian tới.

* EU cân nhắc bỏ phiếu ngân sách mà không có Anh

Giới truyền thông cho rằng, thế giới Arab là một trong những trọng tâm được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Davos. Bởi Thủ tướng các nước Ai Cập, Lebanon, Libya, Tunisia và Palestine thảo luận về sự chuyển đổi đang diễn ra ở các nước Arab, trong khi Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tham gia vào một ủy ban về tương lai của Syria.

Châu Âu và tương lai của đồng euro cũng là tâm điểm trong các cuộc thảo luận ở Diễn đàn kinh tế Davos. Bởi ngày 25/1, Giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã đề cập tới tương lai của đồng euro, trong khi các chuyên gia kinh tế và giới lãnh đạo kinh doanh thảo luận về cách hồi sinh nền kinh tế toàn cầu.

Ông Mario Draghi cho rằng, khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể phục hồi vào nửa cuối của năm 2013 và chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB đang giúp khu vực đồng euro trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB cũng lưu ý, nền kinh tế châu Âu vẫn còn nhiều bất ổn, các tín hiệu tích cực trên các thị trường tài chính chưa tác động nhiều tới nền kinh tế.

Điều đáng nói là mặc dù ECB đang cố gắng giảm tối đa các rủi ro trong khu vực đồng euro, nhưng những vấn đề cơ bản của liên minh tiền tệ này vẫn chưa được giải quyết.

Dư luận rất quan tâm tới bài phát biểu hôm 24/1 của Thủ tướng Anh khi ông David Cameron đả kích những động thái nhằm thành lập “Hợp chủng quốc châu Âu”, nhưng vẫn khẳng định, London sẽ không quay lưng lại châu Âu sau khi tiết lộ những kế hoạch trưng cầu dân ý của người Anh về việc xứ sở sương mù có nên tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Ông David Cameron cho biết, những đề xuất cải cách quan hệ Anh-EU là cần thiết cho cả châu Âu và London. Bởi cuộc cải cách khẩn cấp sẽ giúp EU trở nên cạnh tranh hơn, linh hoạt hơn và bảo đảm Anh có vị trí vững chắc trong đó. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo, nếu Anh rời bỏ EU sẽ gây ra những hậu quả không chỉ với London mà với cả châu Âu.

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khuyến cáo, nếu Anh từ bỏ tư cách thành viên EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định về lâu dài của châu Âu cũng như kinh tế thế giới.

Thủ tướng Ireland Enda Kenny nhấn mạnh, Anh vẫn là trung tâm của EU và liên minh này sẽ trở nên mạnh hơn nếu London vẫn là một phần trong đó.

Thủ tướng Italia Mario Monti cho rằng, người dân Anh sẽ lựa chọn con đường tiếp tục mối quan hệ tế nhị với Brussels, bởi quay lưng lại EU đồng nghĩa với việc đánh mất nhiều lợi ích kinh tế.

Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy cũng cảnh báo, quyết định rời EU của Anh có thể đẩy liên minh với 27 thành viên đi tới sụp đổ.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng, Thủ tướng Anh David Cameron đang chơi "một trò chơi nguy hiểm vì những lý do chiến thuật trong nước".

Ngày 25/1, Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm hiểu khía cạnh pháp lý để đạt được một thỏa thuận về ngân sách dài hạn 2014-2020 cho EU mà không có sự tham gia của Anh, tránh nguy cơ bị Thủ tướng David Cameron phủ quyết tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Brussels của Bỉ (7 – 8/2).

Trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, quan hệ của Anh với EU chưa đến mức phải thương lượng lại, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel sẵn sàng “lắng nghe những mong muốn của Thủ tướng Anh”. Mỹ cũng khuyến cáo việc Anh muốn thay đổi quan hệ với EU.

Với chủ đề “Năng động để thích ứng”, Diễn đàn kinh tế Davos năm nay hy vọng có thể tìm được tiếng nói chung nhằm giải quyết khủng hoảng. Chủ tịch điều hành đồng thời là người sáng lập WEF Klaus Schwab đã kêu gọi các đại biểu vượt qua khủng hoảng nợ công của Eurozone, vốn đe dọa đẩy khu vực này rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Giới chuyên môn khuyến cáo, tăng trưởng yếu ớt là xu hướng nổi trội trong năm 2013, theo đó kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3%, nhưng phục hồi diễn ra trên nhiều cấp độ, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm 1% tại các nền kinh tế phát triển và trung bình 5% tại các thị trường mới nổi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế thế giới vào khoảng 2,3% trong năm 2012 và 2,4% vào năm 2013, sau đó lên 3,1% và 3,3% trong năm 2014 và 2015

Tân Hồng-Tiên Du
.
.
.