Đất lành hội tụ ý tưởng

Chủ Nhật, 31/10/2010, 12:05
Những ngày cuối của tháng 10, Hội nghị cấp cao ASEAN17 và các hội nghị liên quan diễn ra khẩn trương với một lịch trình dày đặc, có sự tham gia của hàng chục nguyên thủ quốc gia thuộc khu vực châu Á, Thái Bình Dương, các đối tác của ASEAN cho tới tổ chức hùng mạnh toàn cầu - LHQ - để bàn thảo một loạt vấn đề quan trọng của khu vực cũng như của thế giới.

Từ tầm nhìn đến hành động

Sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội vào tháng 4/2010, ngày 28/10, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhằm đánh giá thành tựu mà hiệp hội đã đạt được trong suốt 1 năm phấn đấu không mệt mỏi nhằm hoàn thành những mục tiêu và kế hoạch đã được đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010, trong bài phát biểu của mình đã đánh giá: ASEAN vui mừng với những thành tựu quan trọng trong việc triển khai Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015. Hiến chương ASEAN đã thực sự đi vào cuộc sống với sự vận hành trôi chảy của tổ chức bộ máy mới cũng như việc hoàn tất cơ bản các văn kiện pháp lý liên quan, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN và liên kết khu vực sâu rộng hơn.

Các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng trên cả 3 trụ cột đều được triển khai mạnh mẽ theo những ưu tiên và lộ trình đã được xác định và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Điều đó đã cho phép Thủ tướng khẳng định vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng được nâng cao không chỉ do vai trò trung tâm của hiệp hội ở khu vực mà còn do những đóng góp quan trọng của ASEAN trên nhiều diễn đàn quốc tế lớn, kể cả G20. Còn theo ông Surin, thực tế các hoạt động hữu hiệu của các thành viên trong thời gian qua đã đưa ASEAN lên vị trí tiên phong trong việc hợp tác để đối phó với những thách thức mang tính chất toàn cầu.

Quang cảnh Lễ ký kết văn kiện của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Ảnh: TTXVN.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hài lòng trước những kết quả quan trọng đạt được vừa qua, đồng thời, nhất trí cần tăng cường hơn nữa "văn hóa thực thi" để nâng cao hiệu quả thực hiện các thoả thuận, song song với các biện pháp đồng bộ, mạnh bạo và sáng tạo hơn nữa, chú trọng tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực thi các thỏa thuận.

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN do Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN đệ trình, đồng thời quyết định thành lập một Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN để giám sát và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể này.

Hội nghị cấp cao ASEAN 17 đón nhận sự tham gia của nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia…. và đặc biệt là sự hiện diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Nga D.Medvedev, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton… Chính vì vậy, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội là dịp quan trọng và duy nhất trong năm để lãnh đạo ASEAN có điều kiện tiếp xúc cấp cao với hầu hết các bên đối tác để bàn thảo về các vấn đề liên kết kinh tế nội khối cũng như ngoại khối...

Dấu ấn Việt Nam

Qua hơn 10 tháng giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn bè quốc tế và trong lịch sử phát triển ASEAN nhờ làm tốt vai trò chủ đạo, sáng tạo và là hạt nhân của ASEAN trong tiến trình hợp tác khu vực và quốc tế. Việt Nam đã thành công trong vai trò định hướng hoạt động hợp tác không chỉ trong khuôn khổ ASEAN, mà còn định hướng được các khuôn khổ hợp tác trong ASEAN+ và của cả Đông Á.

Để làm được điều đó, theo đánh giá của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: Bản thân Việt nam "đã có nhiều đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao kiểm điểm 10 năm thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ bằng những bước tiến dài trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, GDP tăng gấp ba lần so với giai đoạn trước đó. Cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, mong muốn Việt Nam chia sẻ các giải pháp để có được thành công hôm nay…

Một trong những đóng góp nổi bật là Việt Nam đã tham gia các diễn đàn do Liên hợp quốc tổ chức và đưa ra nhiều sáng kiến mới. Tôi đánh giá rất cao sự đóng góp đó của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc".

Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ủy thác cho vai trò "cầu nối" giữa các nước ngoài khu vực với  ASEAN và được các thành viên trong Hiệp hội tin tưởng vì họ biết rằng thành công mỹ mãn về nhiều mặt trong mối hợp tác đặc biệt Việt - Nga có thể trở thành hình mẫu cho các nước Đông Nam Á đang tăng tốc ở giai đoạn công nghiệp hoá, đô thị hóa, điện khí hóa.

Theo tính toán, với sự hợp tác của Việt Nam, Nga có thể đạt được kim ngạch ngoại thương với các nước ASEAN tới năm 2020 lên con số 40-50 tỷ USD thay cho tỷ lệ dưới 0,5% mà nước này có được trong tổng kim ngạch ngoại thương của hiệp hội (trong năm 2009, trị giá các hợp đồng qua lại giữa đôi bên không vượt quá 7 tỷ USD).

Mặt khác, các nước ASEAN là những nhà nhập siêu dầu mỏ và khí đốt, đang phụ thuộc vào tình trạng thị trường năng lượng toàn cầu sẽ không ngừng tăng cùng với tính tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, một trong những chìa khóa để giải quyết vấn đề này thông qua quan hệ chiến lược với các nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ Việt Nam sẽ vươn lên hàng các nước dẫn đầu trong khu vực về sản xuất dầu mỏ (khai thác gần 200 triệu tấn dầu) và sẽ là cầu nối đầy thuyết phục nhất để ASEAN hướng sự chú ý của mình về phía Nga.

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, trong một thông điệp được phát đi từ Matxcơva đã tin chắc rằng, Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ hai sẽ mở ra giai đoạn mới trong qúa trình phát triển liên lệ song phương và quan hệ với ASEAN là một phương hướng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga.

Matxcơva muốn để hàng hoá Nga tiến tới thị trường các nước trong khu vực và chủ trương sử dụng tiềm năng ứng nghiệm của ASEAN nhằm phát triển nền kinh tế của vùng Sibiri và Viễn Đông. Ông Medvedev cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội sẽ là cơ hội hiếm có để các đối tác có sự xúc tiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học, du lịch, năng lượng… cho tới đấu tranh chống khủng bố.

Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị liên quan diễn ra trong dịp này không chỉ là động cơ mới cho tăng trưởng kinh tế mà còn để thế giới hòa giải những vấn đề tồn tại và gợi ra những hướng đi tốt đẹp cho tương lai…

Việt Nam bằng tất cả sự cố gắng của mình đã góp phần đưa ASEAN thành một nhân tố quan trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Thông qua sự tham gia tích cực và những cống hiến đối với ASEAN, Việt Nam đã giành được sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế và Việt Nam, theo cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN, các nước bạn bè, đối tác, phấn đấu vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, liên kết chặt chẽ và thịnh vượng, vì một  ASEAN và một Đông Á hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển

Ngọc Hà
.
.
.