Đại sứ Nhật Bản lý giải về tính cách người Nhật

Chủ Nhật, 20/03/2011, 10:26
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki chia sẻ: "Lịch sử từ xa xưa của Nhật Bản là rất coi trọng nhóm, tập thể hay nói rộng hơn là cộng đồng". Theo Đại sứ Tanizaki, truyền thống đó có thể lý giải cho việc: Khi có lương thực hay nước uống được phân phát, người Nhật sẽ cảm thấy rất xấu hổ nếu chỉ biết lấy những thứ đó cho riêng mình.

Gần 10 ngày sau trận động đất mạnh 8,9 độ richter kéo theo sóng thần ở Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào vẫn chìm trong cảnh hoang tàn. Công tác cứu hộ đặc biệt gặp khó khăn khi tại những vùng chịu thiệt hại nặng nề, tuyết rơi phủ kín khắp nơi. Thời tiết lạnh giá cùng sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên đã đẩy người dân Nhật Bản vào hoàn cảnh khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Mặc dù vậy, bất chấp mọi gian khổ, người Nhật vẫn kiên cường đối phó với thảm họa một cách bình tĩnh và kỷ luật. Hình ảnh từng hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng để chờ đến lượt lên xe buýt đi sơ tán hay để nhận một chút lương thực, nước uống miễn phí đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân thế giới.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã chia sẻ với Báo Công an nhân dân tình hình hiện tại của nước Nhật cũng như tiết lộ một chút tính cách đáng trân trọng và nể phục của người Nhật Bản.

Phóng viên Báo CAND phỏng vấn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. ảnh: Quốc Trung.

- Trước hết, xin chia sẻ với ông về những mất mát, đau thương và khó khăn mà người dân Nhật Bản đang phải gánh chịu sau thảm họa thiên nhiên hôm 11/3. Xin ông cho biết về tình hình Nhật Bản hiện nay cũng như những nỗ lực của chính phủ trong việc khắc phục mọi sự cố phát sinh sau động đất, sóng thần, đặc biệt ở Fukushima?

- Tính đến thời điểm này, theo số liệu mà chúng tôi nắm được, hơn 6.000 người thiệt mạng và khoảng 10.000 người khác đã mất tích sau khi động đất và sóng thần ập vào 3 tỉnh ở miền Đông Bắc. Hàng chục ngàn người khác đã và đang được sơ tán khỏi những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thảm họa này. Về sự cố tại nhà máy điện hạt nhân, ngay sau khi động đất xảy ra, hệ thống báo động vang lên và nhà máy ngừng hoạt động.

Hiện nay, chúng tôi đang vấp phải vấn đề về hệ thống làm mát và hệ thống dẫn nước vào lò phản ứng bị hỏng, thanh nhiên liệu có nguy cơ nóng chảy. Chính phủ Nhật Bản đang hết sức cố gắng để giải quyết sự cố này. Chúng tôi từng bước xử lý mọi vấn đề và tình hình đã dần dần được cải thiện.

- Nhật Bản là một quốc gia hay phải đối mặt với động đất. Thế nhưng, cách đối phó với thảm họa thiên nhiên của người Nhật hoàn toàn khác biệt và gây ấn tượng mạnh với thế giới. Ông có thể cho biết, người Nhật đã được trang bị kiến thức và kỹ năng gì để đối phó với những thảm họa thiên nhiên?

- Tôi nghĩ, văn hóa Nhật Bản ảnh hưởng nhiều đến cách ứng xử của người Nhật Bản. Lịch sử từ xa xưa của Nhật Bản là rất coi trọng nhóm, tập thể hay nói rộng hơn là cộng đồng. Đối với người Nhật, tập thể và cộng đồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà hội nhập quốc tế ngày càng phổ biến và sâu rộng. Tập thể hay cộng đồng mà người Nhật Bản xây dựng luôn được duy trì, giữ gìn bằng tính kỷ luật, văn minh và hành động vì người khác.

Ví dụ cụ thể cho tính cách này của người Nhật chính là những gì các bạn đã được nghe, nhìn thấy tại những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt động đất và sóng thần vừa qua. Khi có lương thực hay nước uống được phân phát, người Nhật sẽ cảm thấy rất xấu hổ nếu chỉ biết lấy những thứ đó cho riêng mình. Tính cách này là truyền thống ngàn đời của người dân Nhật Bản và tôi nghĩ rằng, thế hệ trẻ của đất nước chúng tôi vẫn luôn gìn giữ và phát huy tính cách này.

- Chúng tôi được biết hiện có hơn 30.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản. Tình hình của họ lúc này ra sao, thưa ông?

- Sự an toàn của tất cả công dân Việt Nam đã được đảm bảo thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng đã nỗ lực hết sức để giúp đỡ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện việc di tản công dân khỏi những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sóng thần và động đất. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để hỗ trợ và giải quyết những nhu cầu, đề nghị của công dân Việt Nam tại Nhật Bản.

- Ngay sau khi Nhật Bản gặp phải thiên tai, Chính phủ, các tổ chức, ban, ngành ở Việt Nam đã có nhiều cuộc vận động, quyên góp nhằm giúp đỡ nhân dân Nhật Bản. Bộ Công an và Báo Công an nhân dân cũng đã tổ chức đợt phát động chia sẻ nỗi đau cùng Nhật Bản. Về phía mình, Đại sứ quán Nhật Bản có sự hỗ trợ, liên kết nào?

- Chúng tôi rất cảm động trước tình cảm mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho người dân Nhật Bản. Quan hệ hai nước chúng ta đang là đối tác chiến lược và ngày càng được thắt chặt hơn. Thông qua thiên tai lần này, chúng tôi càng hiểu và thấy rõ rằng, dân tộc Việt Nam và Nhật Bản đều có chung một tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ mọi người. Chúng tôi không biết nói gì hơn là một lần nữa xin cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà Việt Nam đã dành cho Nhật Bản. Cá nhân tôi sẽ chuyển những lời động viên thăm hỏi, chia sẻ này tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Tôi tin chắc rằng, những gia đình nạn nhân ở Nhật Bản sẽ rất vui và cảm thấy ấm lòng. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước Nhật Bản nhưng chúng tôi tin, với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam, chúng tôi sẽ vượt qua mọi gian khổ và làm hồi sinh lại những mảnh đất vừa bị thiên nhiên tàn phá

Huyền Chi (ghi)
.
.
.