Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar

Thứ Bảy, 27/02/2021, 23:06
Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) hôm 26/2 đã tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar dưới sự chủ trì của Chủ tịch Volkan Bozkir. 

Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ Christine Schraner Burgener, đại diện của hơn 50 nước thành viên LHQ và 8 tổ chức khu vực đã tham dự và phát biểu ý kiến. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay tháo gỡ căng thẳng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Tại phiên họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh những diễn biến hiện nay ở Myanmar có hại cho sự ổn định, phát triển và lợi ích chính đáng của người dân nước này. Do đó, ông kêu gọi các bên ở Myanmar kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng và tiến hành đối thoại hướng tới giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp cũng như nguyện vọng và ý chí của người dân.

Nhiều người biểu tình phản đối chính biến ở thành phố Mandalay, Myanmar ngày 20/2. Ảnh: Reuters

Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar; tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; đồng thời bảo đảm sự an toàn, tiếp cận nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu cho người dân Myanmar, nhất là những người dễ bị tổn thương.

Riêng với Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì sự phát triển của chính Myanmar cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam ủng hộ nỗ lực và vai trò trung gian của Đặc phái viên Burgener, khuyến khích bà Burgener phối hợp với ASEAN trong việc ổn định tình hình ở Myanmar. Về vai trò của ASEAN, Đại sứ khẳng định ASEAN ủng hộ các nỗ lực của Myanmar nhằm mang lại hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật; thúc đẩy hòa hợp và hòa giải; đảm bảo phát triển bền vững.

Đại sứ Đặng Đình Quý thông báo về những nỗ lực đang được ASEAN thúc đẩy, trong đó có việc Chủ tịch ASEAN ra tuyên bố về vấn đề này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ ASEAN ngăn chặn nguy cơ bạo lực và giúp đỡ hàng triệu người Myanmar đang phải gánh chịu hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, trong tất cả các cuộc đối thoại và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Myanmar, con người luôn phải được đặt làm trung tâm.

Cùng ngày, các nguồn tin ngoại giao của ASEAN cho biết, khối sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên trong tuần tới để thảo luận về tình hình Myanmar. Đây là cuộc họp đầu tiên của các lãnh đạo ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN kể từ khi quốc gia thành viên Myanmar rơi vào bế tắc chính trị từ đầu tháng 2 này.

Theo các nguồn tin, hầu hết các quốc gia thành viên đều bày tỏ sẵn sàng tham gia cuộc họp, trong đó Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin cũng sẽ tham gia. Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức phối hợp cả trực tuyến và trực tiếp do tác động của đại dịch COVID-19. Phiên họp trực tiếp được tổ chức tại Thủ đô Jakarta của Indonesia, nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN.

Trước đó, hôm 24/2, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin đã đến Thái Lan để tiến hành các cuộc đàm phán ngoại giao liên quan những biến cố chính trị gần đây ở nước này. Việc ông Wunna Maung Lwin tham gia đàm phán được đánh giá là thể hiện nỗ lực hợp tác với ASEAN nhằm tìm ra giải pháp cho những bế tắc chính trị tại nước này.

Đầu tháng 2 vừa qua, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường” sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này. Tuyên bố của ASEAN nêu rõ: “Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Trong cuộc điện đàm hôm 24/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken và người đồng cấp Dato Erywan Yusof bên phía Brunei – quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN – cũng đã thảo luận về vai trò then chốt của ASEAN trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản đã ra tuyên bố chung lên án việc sử dụng bạo lực đối với người biểu tình ở Myanmar. Tuyên bố chung nhấn mạnh, Ngoại trưởng các nước G7 và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu lên án việc các lực lượng an ninh Myanmar sử dụng bạo lực đối với người biểu tình hòa bình. Tuyên bố kêu gọi quân đội và cảnh sát Myanmar kiềm chế, tôn trọng quyền con người và luật pháp quốc tế. Tuyên bố cho rằng việc sử dụng đạn thật chống lại người dân không vũ trang là không thể chấp nhận được và bất kỳ ai đối phó với các cuộc biểu tình hòa bình bằng bạo lực sẽ buộc phải chịu trách nhiệm.

Ngoại trưởng các nước G7 lên án việc đe dọa và đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar đồng thời kêu gọi gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở nước này. Tuyên bố chung khẳng định, các nước G7 cùng lên án cuộc đảo chính ở Myanmar và kêu gọi trao trả tự do ngay lập tức cho những người bị bắt giữ tùy tiện bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Ky và Tổng thống Win Myint. Ngoại trưởng các nước G7 cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ người dân Myanmar trong nỗ lực tìm kiếm dân chủ và tự do.

Về phía Myanmar, quân đội nước này cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.