Cựu binh Mỹ xin lỗi nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai
"Chẳng có ngày nào mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì xảy ra ở Mỹ Lai hôm đó", William L.Calley, 66 tuổi, phát biểu hôm 19/8 trước thành viên câu lạc bộ Kiwanis Club, bang Georgia.
Giọng ông ta lạc đi khi nói tiếp: "Tôi thấy thương xót những người Việt Nam bị giết hại và gia đình họ, thương xót những lính Mỹ liên quan và cả gia đình. Tôi rất hối tiếc".
Năm 1971, trung úy Calley bị tòa án quân sự kết tội giết 22 thường dân Việt Nam trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Ngày 16/3/1968, Calley cùng đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai trong sứ mệnh "tìm và diệt" "Việt Cộng". Không có một người lính "Việt Cộng" nào trong làng. Lính Mỹ bắt đầu bắn giết bừa bãi các dân thường, gồm trẻ em, phụ nữ và những ông già. Sau khi các thường dân đầu tiên ngã xuống, lính Mỹ bắn vào bất cứ thứ gì chuyển động. Tất cả 504 dân thường Việt Nam đã thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Calley bị kết tội chung thân song tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon giảm án cho ông ta xuống còn 3 năm tù treo. Calley sau đó ở lại Columbus, Georgia, làm việc trong cửa hàng trang sức của bố vợ trước khi chuyển tới Atlanta vài năm trước. Ông ta không xuất hiện trước công chúng và từ chối mọi lời phỏng vấn về vụ Mỹ Lai.
Sự im lặng này được phá vỡ hôm 19/8 sau khi Calley nhận lời mời tới phát biểu ở Kiwanis Club, Columbus. Đeo kính dày và mặc chiếc áo màu xanh, ông ta nói nhỏ vào micro và trả lời câu hỏi trong vòng nửa tiếng. "Tất cả đều ngỡ ngàng khi nghe điều này từ ông ấy lần đầu tiên trong 40 năm", Al Flemming, bạn của Calley, người đã mời ông phát biểu, cho hay.
Những người phụ nữ Việt Nam với các em nhỏ tại Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Họ bị lính Mỹ giết gần như ngay sau khi bức ảnh được chụp. Ảnh: Ronald L. Haeberle. |
Fleming và Lennie Pease, chủ tịch Kiwanis Club, cho biết Calley xin lỗi ngay đầu bài phát biểu ngắn trước khi trả lời các câu hỏi. William George Eckhardt, công tố viên chính trong vụ án Mỹ Lai, cho hay ông chưa từng nghe Calley xin lỗi trước đó.
Calley không phủ nhận việc tham gia vụ thảm sát tháng 3/1968, tuy nhiên, khẳng định ông ta chỉ theo lệnh cấp trên - đại úy Ernest Medina - điều mà Eckhardt bác bỏ. Medina cũng bị tòa án quân sự xét xử năm 1971 và được tuyên trắng án.
Pease nhận định Calley rõ ràng gặp khó khăn khi phát biểu trước đám đông dù ông trả lời hết các câu hỏi. Các thành viên câu lạc bộ này đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi Calley kết thúc.
"Các vị có thể thấy ông ấy vô cùng hối hận vì mọi chuyện đã xảy ra", Pease nói. "Ông ấy nói rất khẽ, rất khó nghe. Ông ấy tỏ ra khó nhọc lúc trả lời câu hỏi".
Fleming cho biết ông đã nói chuyện với Calley vài lần về chiến tranh ở Việt Nam. Ông mô tả Calley, dù đã có vai trò lớn trong cuộc thảm sát Mỹ Lai, là một người có lòng trắc ẩn. "Ông ấy có lẽ cảm thấy đến lúc phải nói gì đó", Fleming cho hay. "Tôi cứ tưởng với ông ấy mọi chuyện đã qua nhưng có vẻ không phải thế"