Cuộc tình thơ mộng của ông trùm phát xít với cô gái Pháp

Thứ Hai, 20/02/2012, 16:04
Ngày 18/2, Tạp chí Le Point đã thu hút sự quan tâm của dư luận Pháp và thế giới khi đăng tải bài viết dài kỳ về cuộc đời người đàn ông có tên là Jean-Marie Loret. Các bằng chứng đưa ra cho thấy một cách thuyết phục rằng, ông chính là giọt máu duy nhất của trùm phát xít độc ác Adolf Hitler.

Charlotte Lobjoie, mẹ của Jean-Marie Loret được cho là đã bị buộc “quan hệ tình cảm” với Hilter khi mới 16 tuổi. Trong gần 60 năm cuộc đời mình, Hitler đã có ít nhất 6 tình nhân.

Theo như những gì mà bài viết trên Tạp chí Le Point nêu ra, chuyện tình giữa trùm phát xít Đức Adolf Hitler và Charlotte Lobjoie bắt đầu vào tháng 6/1917, tức là trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 1. Lúc đó, Adolf Hitler mới 28 tuổi và tham gia chiến đấu trong một quân đoàn ở gần Seboncourt, thuộc vùng Picardy, miền Bắc nước Pháp.

Vốn tính mơ mộng, lại thích ngao du đây đó nên mỗi khi được nghỉ phép, Adolf Hitler đã đi chơi nhiều nơi. Và rồi, định mệnh đã khiến Adolf Hitler và Charlotte Lobjoie gặp nhau. Đó là một sáng mùa hè nắng đẹp ở thị trấn Fournes-en-Weppes, phía Tây thành phố Lille. Sau này, khi hấp hối vào những năm 1950, bà Charlotte Lobjoie mới tiết lộ cho con trai biết rằng, chỉ một lần gặp gỡ, bà đã bị Adolf Hitler hớp hồn. Cuộc tình này kéo dài từ năm 1917 đến cuối năm 1918, khi Hitler về Đức. Và Jean Marie-Loret là kết quả sau một đêm chuếnh choáng vào tháng 6/1917. Khi đó, Charlotte Lobjoie mới chỉ quen biết Adolf Hitler chưa được 2 tuần.

Điều đáng nói là Adolf Hitler biết rõ về người con rơi của mình nhưng hắn không bao giờ lên tiếng nhận con. Mặc dù vậy, Adolf Hitler vẫn liên lạc với Charlotte Lobjoie và trợ giúp cô những lúc khó khăn. Trong cả cuộc đời, cho đến lúc chết là năm 1985, Jean Marie-Loret vẫn chưa một lần gặp cha.

Trẻ tuổi, xinh đẹp, lại phải nuôi con một mình, Charlotte Lobjoie không chỉ gặp thị phi và cả sự túng thiếu về kinh tế. Còn Jean Marie-Loret, cũng giống như hàng ngàn đứa trẻ Pháp khác có bố là các binh sĩ Đức, đã bị bạn bè chế nhạo ngay từ hồi còn đi học. Năm 1930, muốn đứa con mình có một cuộc sống đầy đủ hơn, Charlotte Lobjoie đã gạt nước mắt, cho Jean Marie-Loret đi làm con nuôi. Dẫu vậy, bà vẫn thường xuyên tới thăm con và gửi tin tức về Jean Marie-Loret cho Adolf Hitler.

Bức ảnh chụp Adolf Hitler và Jean Marie-Loret cho thấy khuôn mặt của hai người này có nhiều nét tương đồng.

Mãi đến khi “gần đất, xa trời”, bà mới cho con trai hay biết về người cha là kẻ độc tài khét tiếng nhất trong lịch sử nhân loại – Adolf Hitler. Ban đầu, Jean Marie-Loret không tin, song những thông tin mà ông thu thập được đã khẳng định điều này. Đầu tiên là sự giống nhau đến kỳ lạ giữa Adolf Hitler và Jean Marie-Loret. Rồi sự chứng minh về việc ông có chung nhóm máu với Hitler của các nhà khoa học.

Lục tìm trong căn nhà của người mẹ đẻ, Jean Marie-Loret còn tìm thấy những bức tranh có chữ ký của Hitler. Như bà Charlotte Lobjoie đã nói, đó là món quà mà người tình đã tặng trong thời gian ở nước Pháp. Một điểm đáng lưu ý nữa là trong bộ sưu tập tranh của Adolf Hitler ở Đức, người ta cũng đã tìm thấy một bức tranh về một người phụ nữ trông giống hệt bà Charlotte Lobjoie. Một số nhà sử học thì cho rằng, mối tình với thiếu nữ Charlotte Lobjoie có lẽ là lý do khiến Adolf Hitler luôn thể hiện tình cảm sâu nặng với nước Pháp.

Adolf Hitler sinh ngày 20/4/1889 tại Braunan, Áo. Thời trẻ, Hitler muốn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng không thành công. Năm 1933, Hitler làm Thủ tướng Đức ở tuổi 44. Sau khi lên nắm quyền, Hitler đã đàn áp các phe phản đối và xây dựng một nền thống trị độc tài. Nhiều nhân vật của phe chống đối bị giết không cần xét xử.

Trong vài năm trước Chiến tranh thế giới lần hai, sự thống trị của Hitler đã được đại đa số người Đức ủng hộ nhiệt tình, vì đã giảm bớt thất nghiệp, nền kinh tế được phục hồi. Sau đó, Hitler đã đẩy nước Đức vào con đường xâm lược các nước khác, dẫn đến đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Với những cuộc chiến ở nước ngoài và các cuộc đàn áp, sát hại người Do Thái, Adolf Hitler trở thành kẻ độc tài khét tiếng nhất trong lịch sử nhân loại

Trung Nguyên
.
.
.