Cuộc chiến tại Libya: Quân nổi dậy tiến vào Bani Walid

Chủ Nhật, 11/09/2011, 16:02
Mặc dù thời hạn chót chưa tới (10/9), nhưng ngày 9/9, lực lượng nổi dậy vẫn khai hỏa và đưa quân tiến vào Bani Walid, một trong những thành trì cuối cùng của Tổng thống Muammar Gaddafi. Theo tin của đài truyền hình Al-Jazeera, các chiến binh nổi dậy đã tiến vào Bani Walid sau những cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng trung thành của ông Gaddafi.

Nhiều cuộc chiến giáp lá cà đã nổ ra và hiện con số thương vong chưa được công bố. Phe nổi dậy tuyên bố, sắp chiếm được Bani Walid sau khi gạt bỏ được những cản trở trên đường tiến quân, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 2km và sẽ giành được quyền kiểm soát hoàn toàn trong vòng vài giờ nữa.

Quan chức lực lượng nổi dậy cho biết, quân của họ phải chiến đấu với những tay súng bắn tỉa của ông Gaddafi ở phía Bắc Bani Walid. Chỉ huy quân nổi dậy Tariq Hadood tuyên bố, sẽ chiếm hoàn toàn thành phố Bani Walid trong 24 giờ tới và hy vọng người dân ở đây đứng lên chống lại lực lượng của ông Gaddafi.

Abdallah Kanshil, một quan chức thuộc Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC) cho biết, các tay súng nổi dậy tiến vào Bani Walid từ 3 hướng: Bắc, Đông và Nam. Ban đầu, phe nổi dậy dự kiến đưa khoảng 100 - 150 binh sĩ, nhưng hiện có tới 600 lính đang ở trong Bani Walid. Bani Walid là nơi tập trung bộ lạc lớn nhất Libya và cũng là lực lượng trung thành nhất của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Quân nổi dậy trước giờ khai hoả vào Bani Walid.

Cuộc tấn công diễn ra sau khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi ở Bani Walid bắn 10 quả tên lửa về phía quân nổi dậy và Interpol chính thức phát lệnh truy nã đối với cha con Đại tá Muammar Gaddafi và Giám đốc cơ quan tình báo Abdullah al-Senussi vì tội ác chống loài người. Lệnh truy nã này cũng được gửi đến 188 nước thành viên của Interpol.

NTC tuyên bố, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra tay trước khi thời hạn chót vẫn còn. Phe nổi dậy cáo buộc quân của ông Gaddafi đã tận dụng thời gian để tập hợp lực lượng nhằm phản công. Ngoài Bani Walid, quân nổi dậy cũng đang tấn công vào Sirte, quê hương của ông Gaddafi.

Các nhân chứng cho biết, tên lửa, súng cối và xe tăng tiếp tục được triển khai ở bên ngoài Sirte và trên đường tiến tới đây, lực lượng nổi dậy đã chiếm thung lũng Đỏ, cách Sirte 60km về phía Đông. Sirte là nơi có cảng dầu chiến lược và đây là khu vực ông Gaddafi có thể dùng để chia cắt hai miền Đông, Tây.

Được biết, trong mấy ngày qua, NATO liên tiếp không kích các mục tiêu bên trong Sirte với cường độ mạnh hơn và đã phá hủy nhiều xe tăng, pháo binh, xe thiết giáp, kho súng đạn. NTC cũng cho biết, đã điều hàng trăm tay súng tiến sâu vào sa mạc hướng về phía Sabha để tấn công vào một trong những thành trì cuối cùng của ông Gaddafi.

Tuy nhiên, Thủ tướng tạm quyền Mamoud Jibril, Phó Chủ tịch NTC vẫn khuyến cáo, kể từ khi ông Gaddafi rời thủ đô, tình hình hỗn loạn ở đây vẫn chưa chấm dứt. Ngày 9/9, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington sẽ cử một số quan chức ngoại giao đến thủ đô Tripoli hôm 10/9 để chuẩn bị cho việc mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Libya.

Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi (AFRICOM) của Mỹ, tướng Carter Ham cảnh báo, tình trạng sở hữu vũ khí tràn lan ở Libya đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với an ninh không chỉ của quốc gia Bắc Phi này trong tương lai mà cả các nước trong khu vực.

Ngày 9/9, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin an ninh Niger cho biết, có thêm 14 quan chức thuộc chính quyền của ông Gaddafi đã tới thành phố miền Bắc Agadez của nước này. Trong các quan chức có tướng Ali Kana, từng là một trong những cận vệ thân cận nhất của ông Gaddafi phụ trách lực lượng phía Nam.

Chính phủ Niger hiện chưa đưa ra bình luận nào xung quanh vấn đề này. Về phần mình, các nước thành viên Liên minh Boliva dành cho châu Mỹ (ALBA) đã khẳng định không công nhận tính hợp pháp của NTC hay bất cứ chính quyền lâm thời nào ở Libya được thành lập dựa trên sự can thiệp của nước ngoài. ALBA cũng lên án hành động can thiệp quân sự của NATO khiến hàng nghìn người dân Libya thiệt mạng và cho rằng, đây chỉ là cớ để phương Tây chiếm đoạt nguồn dầu mỏ của Libya

Lê Trịnh (tổng hợp)
.
.
.