Cuộc chiến sống còn giữa người da đen và tổ chức phát-xít "3K"

Thứ Sáu, 31/07/2015, 08:47
Bang Nam Carolina (Mỹ) mới tuyên bố bãi bỏ sử dụng "Cờ liên bang" tượng trưng cho tư tưởng "Da trắng chí thượng". Động thái này đã gây phản ứng mạnh trên khắp nước Mỹ. Theo hãng tin AP và báo "Daily Mail", ngày 18/7, hơn 700 người da trắng và người da đen thuộc các tổ chức nhân quyền đã đối đầu với nhau trước tòa nhà nghị viện bang này ở thành phố Charleston.

Hai tổ chức gây ra cuộc đối đầu này là "Đảng kỵ sĩ da trắng 3K" có trụ sở tại bang California và "Những nhà giáo dục da đen" có trụ sở ở bang Florida. Những người da đen đã đốt và xé cờ Liên bang - di sản của miền Nam thời nội chiến thế kỷ 19 để chọc giận đối phương, còn những người da trắng đáp lại bằng cách tập hợp trước cửa tòa nhà và chào theo kiểu Đức Quốc xã. Tình hình trở nên căng thẳng khi hai bên choảng nhau bằng nắm đấm và gậy gộc khiến cảnh sát thành phố Charleston phải can thiệp.

Đấu khẩu gay gắt giữa hai phe.

Trước đó tại thành phố Charleston từng xảy ra một vụ thảm sát bằng súng gây chấn động thế giới. Tối 17/6/2015, Dylann Storm Roof, thanh niên da trắng theo chủ nghĩa chủng tộc cực đoan đã xông vào một nhà thờ của người da đen xả súng bừa bãi làm 9 người chết. Sự kiện đẫm máu này đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề chủng tộc ở Mỹ. Rất nhiều người Mỹ cho rằng, cần phải hủy bỏ lá "Cờ liên bang" tượng trưng cho chủ nghĩa chủng tộc da trắng ở bang Nam Carolina.

"Cờ liên bang" là lá cờ do các bang miền Nam tổ chức thành "Liên bang America" sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Nam Bắc và người thiết kế ra nó giải thích về ý nghĩa lá cờ: "Là một dân tộc, mục đích chiến đấu của chúng ta là bảo vệ sự thiêng liêng của người da trắng trước các chủng tộc da màu hạ đẳng; ngọn cờ này tượng trưng cho sự nghiệp của chúng ta".

150 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Nam Bắc, "Cờ liên bang" vẫn tồn tại và xuất hiện tại các nơi công cộng dưới mọi hình thức khác nhau, trở thành tượng trưng cho chủng tộc da trắng. Ngày 8/7, Thống đốc bang Nam Carolina Nicky Harry ký đạo luật bãi bỏ việc treo nó bên ngoài tòa nhà nghị viện. Lá cờ liên bang bị tháo xuống, trở thành hiện vật bảo tàng.

Tuy nhiên, đối với dân chúng 13 bang miền Nam, lá cờ này tượng trưng cho lịch sử và là di sản văn hóa của họ. Vì vậy, 300 thành viên Đảng 3K đã kéo đến nghị viện phản đối. Đảng 3K là tổ chức bí mật được thành lập ít lâu sau Chiến tranh Nam Bắc kết thúc với các hoạt động khủng bố bạo lực chống người da đen, tín đồ Thiên chúa giáo và người Do Thái. Gần 100 năm qua, chính phủ Mỹ đã nhiều lần tổ chức truy quét, bắt bớ các thành viên của nó về các tội kích động khủng bố và tiến hành mưu sát. Tại cuộc đối đầu trước cửa nghị viện bang hôm 18/7, các thành viên 3K đã hò hét các khẩu hiệu mang tính kích động.

Người da đen đốt "Cờ liên bang".

Điều trớ trêu là những người da đen cũng chẳng mấy hài lòng với việc hủy bỏ việc sử dụng lá cờ này. James Mohamed, thủ lĩnh tổ chức "Black Educators for Justice" nói: "Bỏ lá cờ Liên bang cũng chẳng phải là sự tiến bộ thật sự, chỉ là bề ngoài, hư ảo mà thôi". Ông nói: "Từ khi bắt đầu chế độ nô lệ ở nước Mỹ, người da đen ở Nam Carolina chưa bao giờ được hưởng mọi quyền lợi giống như người da trắng.

Chủ nghĩa "Da trắng chí thượng" ở bang này như con dao cắm sâu 12cm vào cơ thể nước Mỹ, nay chỉ rút ra được 2cm thì có thể coi là sự tiến bộ được không?". Quả vậy, đông đảo dư luận cho rằng, chừng nào các tổ chức chủng tộc cực đoan như Đảng 3K vẫn còn tồn tại và súng ống vẫn được mua bán tự do như hiện nay thì cuộc chiến sống còn giữa người da đen với các phần tử phát-xít người da trắng ở Mỹ vẫn sẽ tiếp diễn.

Thu Thủy
.
.
.