"Cú đánh sau lưng" Nhà Trắng

Thứ Tư, 05/12/2007, 11:17
Báo cáo tình báo của Mỹ hôm 4/12 đang gây xôn xao dư luận khi kết luận rằng chương trình phát triển hạt nhân của Iran đã tạm ngừng từ năm 2003 do áp lực từ cộng đồng quốc tế. Sự trái ngược nhau trong các bản báo cáo của tình báo Mỹ trong những năm gần đây khiến nhiều người đã đặt câu hỏi về cái mà Washington gọi là "mối nguy hiểm hạt nhân Iran".

Các thành viên đảng Dân chủ ở Mỹ đang kêu gọi việc xem xét lại chính sách đối ngoại của Nhà Trắng đối với Iran và vấn đề hạt nhân ở nước này.

Mâu thuẫn nội bộ

Mọi chuyện bắt đầu từ khi một báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy, chính phủ Tehran không hề có ý định cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân trong thời điểm này. Trong báo cáo mới nhất, cơ quan Đánh giá tình báo quốc gia khẳng định, Iran đã tạm ngưng các hoạt động về sản xuất vũ khí hạt nhân từ năm 2003.

Lãnh đạo phe Dân chủ trong Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Harry Reid tuyên bố, Nhà Trắng cần phải xem xét lại những gì mà họ đang làm để lên án Iran. Ông Harry Reid nói: "Tôi hy vọng chính phủ sẽ đọc kỹ bản báo cáo này và điều chỉnh chính sách đối với Iran sao cho phù hợp".

Những dấu hiệu chuyển biến mới trong lòng nước Mỹ đã giúp Iran rất nhiều trong việc thuyết phục cộng đồng quốc tế tin vào chương trình hạt nhân dân sự của mình. Giới phân tích thế giới gọi bản báo cáo tình báo là cú đánh sau lưng Nhà Trắng và dự đoán những mưu đồ mở rộng cấm vận Tehran của Washington chắc chắn sẽ tan thành mây khói sau sự kiện này.

Điều nực cười là cho đến giờ phút này, khi bản báo cáo được công bố trên mọi phương tiện thông tin truyền thông, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Mỹ George Bush vẫn khẳng định bản báo cáo bị sai lệch và nguy cơ hạt nhân Iran thực sự nguy hiểm. Iran hiện vẫn đang phải chịu cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ.

Các vấn đề kỹ thuật

Không chỉ là những lời nói suông, cơ quan Đánh giá tình báo quốc gia đã dành nhiều trang phân tích mọi khía cạnh của vấn đề hạt nhân Iran. Các bằng chứng cung cấp được lấy từ 16 cơ quan tình báo của Mỹ với độ "tin tưởng cao", khẳng định việc Iran ngừng chương trình vũ khí hạt nhân từ năm 2003 và với độ "tin cậy vừa phải" là chương trình vẫn chưa được tái khởi động.

Cơ sở sản xuất uranium nghèo IsfahanIran.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng khuyến cáo rằng, Tehran có thể sẽ tiếp tục làm giàu uranium và trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015 thì có khả năng phát triển bom hạt nhân nếu họ quyết định làm vậy.

Trên thực tế, Iran đã đạt được nhiều tiến triển trong năm 2007 khi khởi động một loạt máy ly tâm mới, giúp cho việc làm giàu uranium và mở rộng chương trình sản xuất hạt nhân vì mục đích dân sự của họ. Nhưng nếu muốn phát triển vũ khí hạt nhân, Iran cần phải thiết kế đầu đạn hạt nhân và xây dựng bệ phóng tên lửa hay phương tiện để chuyên chở bom hạt nhân. Riêng công việc này cũng phải tiêu tốn mất 4 năm.

Về nguyên nhân khiến Iran ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, mặc dù không nêu rõ, song cơ quan Đánh giá tình báo Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng rằng, các áp lực ngoại giao, chính trị là nhân tố chính.

Các yếu tố phụ khác bao gồm cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ dẫn đầu, quyết định chấm dứt chương trình hạt nhân của Libya và việc khám phá ra đường dây buôn bán hạt nhân bất hợp pháp do nhà khoa học Pakistan A.Q.Khan đứng đầu.

"Chiến lược đúng"

Toàn bộ nội dung trong 100 trang của bản báo cáo đã được đệ trình lên Tổng thống Mỹ George Bush từ cuối tháng 11, sau đó mới chuyển tới các cơ quan khác. Cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley vẫn khẳng định rằng báo cáo cho thấy "Mỹ có cơ sở khi bày tỏ quan ngại về tham vọng hạt nhân của Iran" và rằng Tổng thống George Bush đã có chiến lược hoàn toàn đúng đắn.

Quan điểm của Nhà Trắng vẫn là, cộng đồng quốc tế cần gây sức ép với Iran bằng cách cô lập ngoại giao, sử dụng biện pháp cấm vận kinh tế của LHQ...

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Jay Rockfeller lại cho rằng báo cáo tuy độc lập với các nhà chính trị trong nước nhưng lại thiếu nội dung cụ thể. CIA tuy không phân tích nội dung bản báo cáo nhưng lại đưa ra 6 kịch bản khác nhau để nói về những gì mà các cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập được và khả năng đánh lừa bên ngoài tại các nhà máy nguyên tử của Iran.

Rõ ràng, nội bộ nước Mỹ ngày càng mâu thuẫn về vấn đề Iran. Không những thế, giữa họ còn có cả hố sâu ngăn cách về niềm tin cho cái gọi là "nguy cơ vũ khí hạt nhân". Đã đến lúc Nhà Trắng cần dừng bước, nhìn lại chính sách ngoại giao vốn bị coi là "thù địch", "can thiệp vào nội bộ nước khác" vì một thế giới hòa bình, vì lợi ích chung của cả cộng đồng

Huyền Chi
.
.
.