Tòa án Mỹ kết án 6 cảnh sát liên quan tới vụ thanh niên da màu Freddie Gray bị thiệt mạng:

Công lý được thực thi

Chủ Nhật, 03/05/2015, 11:16
Trước sức ép từ dư luận và từ những cuộc biểu tình mang màu sắc bạo lực, xuất phát từ thành phố Baltimore và đã lan rộng sang các thành phố lớn khác trên nước Mỹ, Tòa án bang Maryland ngày 1/5 đã công bố kết luận chính thức về vụ thanh niên da màu Freddie Gray thiệt mạng sau khi bị cảnh sát thành phố Baltimore bắt giữ. 

Theo đó, cơ quan này đã chính thức kết tội 6 nhân viên cảnh sát có liên quan tới vụ việc trên với nhiều tội danh như giết người cấp độ 2, hành hung người bất hợp pháp, bắt người bất hợp pháp. Phán quyết đã nhận được sự hoan nghênh của người dân Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người da màu.

Theo Tòa án bang Maryland, Freddie Gray bị chấn thương cột sống nặng sau khi bị cảnh sát bắt giữ. Những nhân viên cảnh sát này không cung cấp những hỗ trợ về mặt y tế cần thiết cho Gray, mặc dù anh đã yêu cầu sự giúp đỡ ít nhất là 2 lần.

Thị trưởng Stephanie Rawlings Blake cho biết, 5 trong số 6 cảnh sát bị buộc tội đã bị bắt giữ để tiếp tục phục vụ quá trình điều tra. Tất cả 6 sĩ quan đã bị bắt ngay hôm thứ sáu, 1/5. Ba trong số họ là người da đen và còn lại là người da trắng. Người bị buộc tội giết người cấp độ 2 là Caesar Goodson Jr, một sĩ quan da đen, lái xe công vụ của sở cảnh sát, người điều khiển xe chở Gray đến trạm cảnh sát. Trong số còn lại, ba người cũng bị buộc tội ngộ sát, tấn công cấp độ 2, hành hung cấp độ 2 và hành vi sai trái. Người còn lại bị buộc tội giam giữ sai luật.

Công tố viên bang Marryland Marilyn Mosby cho biết: “Những phát hiện trong cuộc điều tra toàn diện, triệt để và độc lập của chúng tôi cùng với xác nhận từ bác sĩ pháp y cho biết, cái chết của ông Gray là một vụ giết người... và chúng tôi tin rằng có lý do chính đáng để tiến hành các cáo buộc hình sự”.

Ngay sau khi có kết luận và các cáo buộc chính thức từ Tòa án bang Maryland, nhiều người dân Baltimore đã đổ ra đường để ăn mừng và bày tỏ sự vui sướng khi công lý đã được thực thi và  cho rằng, đây là một thắng lợi của cộng đồng người da màu tại Mỹ. Nhiều người biểu tình bóp còi xe, trong khi những người khác hô vang “Công lý cho Freddie Gray”. Không chỉ ở Baltimore, mà ở thành phố New York, hàng trăm người cũng biểu tình đòi công lý cho Freddie Gray và hoan nghênh việc khởi tố các sĩ quan cảnh sát có liên quan đến cái chết của thanh niên da màu này.

Người dân Baltimore đổ ra đường ăn mừng sau phán quyết của Tòa án. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, phía Công đoàn các cảnh sát Baltimore cho biết, họ “không chịu trách nhiệm về cái chết của Gray”. Họ lên án những cáo buộc trên, cho rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng trong việc đưa ra phán xét và tin rằng các sĩ quan cảnh sát liên quan đến vụ việc sẽ được minh oan. “Chúng tôi thất vọng vì những phán kết vội vàng. Thực tế, cuộc điều tra về vấn đề này chưa được kết luận”, Gene Ryan, người đứng đầu nhóm công đoàn cảnh sát cho biết. Bà Mosby đã từ chối lời kêu gọi của công đoàn yêu cầu một công tố viên đặc biệt.

Trong khi đó, trong bài phát biểu cùng ngày, không lâu sau khi Tòa án bang Maryland công bố kết luận chính thức cuối cùng về vụ Freddie Gray, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, mặc dù ông chưa xem qua bản luận tội của các công tố viên thành phố Baltimore, song ông khẳng định công lý sẽ được thực thi. Bên cạnh đó, ông Obama cũng cho biết, sẽ làm việc một cách chặt chẽ với giới chức thành phố Baltimore nhằm đảm bảo quá trình điều tra diễn ra một cách công bằng nhất.

Trước đó, ngày 28/4, Tổng thống Obama đã lên tiếng chỉ trích cách hành xử của cảnh sát có tính chất phân biệt đối xử đối với người da màu, đồng thời phê phán cả những người biểu tình gây bạo loạn.

Căng thẳng gia tăng nhiều tháng qua tại Mỹ liên quan đến hành vi của giới chức thực thi pháp luật vốn đa phần là người da trắng phân biệt đối xử với các công dân da màu. Vụ biểu tình bạo lực bùng phát ngày 27/4 tại Baltimore đã buộc chính quyền bang Maryland ban bố tình trạng khẩn cấp. Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khi buộc lực lượng vệ binh quốc gia phải tuần tra các tuyến phố lần đầu tiên kể từ vụ bạo loạn năm 1968.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.