“Con đường tơ lụa” đi qua Thổ Nhĩ Kỳ

Chủ Nhật, 27/10/2013, 02:11
Giới phân tích cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với Trung Quốc để phát triển “Con đường tơ lụa”, phát triển vành đai kinh tế đang khiến Mỹ quan ngại. Bởi thông qua những lợi ích kinh tế, Bắc Kinh sẽ tạo được những vị thế nhất định đối với Ankara, nhất là tạo lợi thế về địa-chính trị khiến Washington khó “múa tay trong bị”.

Dư luận trong và ngoài khu vực thực sự quan tâm tới tuyên bố hôm 25/10 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul khi ông có buổi làm việc với đoàn quan chức cấp cao Trung Quốc đang ở thăm nước này. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một chương mới để phát triển “Con đường tơ lụa”, phát triển vành đai kinh tế cùng có lợi. Tổng thống Abdullah Gul đánh giá cao đề xuất phát triển “Con đường tơ lụa” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trước đó.

Tuyên bố kể trên của Tổng thống Abdullah Gul được đưa ra đúng thời điểm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: nếu không đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Xuất-Nhập khẩu Cơ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) về hệ thống phòng thủ tên lửa, Ankara sẽ xem xét việc mở thầu mới bởi CPMIEC đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Cũng trong ngày 25/10, Bắc Kinh đã kêu gọi không nên chính trị hóa việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó (24/10), Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Francis Ricciardone cho biết, Washington quan ngại hợp đồng trị giá 3,4 tỷ USD với CPMIEC có thể phá hỏng các hệ thống phòng không liên minh, cũng như về khả năng hệ thống của Trung Quốc có thể tương thích với các hệ thống tên lửa và phòng không của NATO.

Theo giới truyền thông, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch và giáo dục, thì Bắc Kinh muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều nước khác nằm dọc “Con đường tơ lụa” - nối châu Á với châu Âu có từ xa xưa để xây dựng một vành đai kinh tế, thúc đẩy trao đổi chính trị, kết nối giao thông, thúc đẩy lưu thông tiền tệ và kết nối người dân.

Giới chuyên môn coi “Con đường tơ lụa” là 2 khu vực vừa là láng giềng tốt, vừa là đối tác tốt hỗ trợ bổ sung ưu thế cho nhau, do đó các nước cần tiếp tục nỗ lực xây dựng lòng tin về kinh tế, chính trị, chống chủ nghĩa khủng bố và mở rộng giao lưu, tích cực đưa ra các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và phát triển phồn vinh.

Cách đây hơn 1 tháng (7/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề nghị các nước thuộc khu vực Trung Á hợp tác với Bắc Kinh xây dựng vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa” bởi theo người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới: Dân số các nước nằm dọc “Con đường tơ lụa” có tới 3 tỉ người và đây là thị trường lớn cả về quy mô lẫn tiềm năng.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nước liên quan cùng hợp tác xóa bỏ các rào cản, thúc đẩy thương mại cũng như đầu tư để mở một con đường chiến lược nối Thái Bình Dương với biển Baltic, sau đó tiến tới thiết lập mạng lưới giao thông liên kết các khu vực Đông, Tây và Nam Á.

Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhanh với giá cả hợp lý cũng khiến các công ty và hãng lớn trong và ngoài khu vực muốn phục hồi tuyến đường sắt Á-Âu mà dân gian vẫn gọi là “Con đường tơ lụa”.

Tổng thống Abdullah Gul (trái) và Thủ tướng Tayyip Erdogan.

Giới phân tích cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với Trung Quốc để phát triển “Con đường tơ lụa”, phát triển vành đai kinh tế đang khiến Mỹ quan ngại. Bởi thông qua những lợi ích kinh tế, Bắc Kinh sẽ tạo được những vị thế nhất định đối với Ankara, nhất là tạo lợi thế về địa-chính trị khiến Washington khó “múa tay trong bị”.

Hơn nữa, việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang bị lún sâu vào cuộc chiến ngân sách, cắt giảm chi tiêu, nhưng Trung Quốc thì ngược lại. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, Trung Quốc không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Đông để giải quyết nhu cầu về năng lượng, Bắc Kinh muốn đa dạng nguồn cung để tránh bị gây sức ép trong vấn đề này. Do đó, việc tạo dựng và phát triển “Con đường tơ lụa” sẽ giúp Bắc Kinh vận chuyển năng lượng từ Trung Á đến Trung Quốc qua đường ống trên đất liền, vừa an toàn vừa kinh tế hơn.

Mỹ từng rất kỳ vọng vào việc xây dựng “Con đường tơ lụa” khi muốn biến Afghanistan thành trung tâm của mạng lưới thương mại, truyền thông và chuyển giao năng lượng, làm cầu nối Trung Đông và Trung Á với các thị trường ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.

Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton từng nói: Mỹ cần xây dựng “Con đường tơ lụa” theo kiểu của mình. Bởi những nguồn khoáng sản khổng lồ ở Afghanistan và dầu khí dồi dào của các nước Cộng hòa Trung Á đang khiến các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều thèm khát và ấp ủ những dự án đầy tham vọng trên “Con đường tơ lụa” nhằm mục đích chính: vận chuyển năng lượng và các loại khoáng sản.

Tổng thống Uzbekistan Karimov từng tiếp Đặc phái viên của Chính phủ Mỹ về Afghanistan và Pakistan Grossman để thương đàm về “Con đường tơ lụa” - dự án nhằm động viên các nỗ lực quốc tế vào việc hỗ trợ quá trình phục hưng kinh tế Afghanistan thời hậu chiến sau khi lực lượng liên quân rút khỏi quốc gia Trung Á này năm 2014.

Trước đó, Mỹ từng hỗ trợ xây dựng đường ống dẫn dầu đi qua Georgia đến Thổ Nhĩ Kỳ và đang triển khai đường ống dẫn khí Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ, phục vụ cho chiến lược hậu chiến. Pakistan nằm ở vị trí chiến lược nối Nam Á với Trung Á, do vậy, sẽ không có liên kết giao thương nào giữa 2 khu này nếu không có sự tham gia của Pakistan. Do đó, Mỹ đã và đang thuyết phục quốc gia này tham gia tích cực vào "Con đường tơ lụa".

Nga cũng đang triển khai "Con đường tơ lụa" nhằm tăng cường cung cấp năng lượng cho các quốc gia châu Á. Trước sự tăng vọt về nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại châu Á-Thái Bình Dương, Nga đã coi đây là thị trường đầy triển vọng và cố gắng tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị phần.

Dự kiến, đến năm 2030 Nga sẽ tăng thị phần châu Á-Thái Bình Dương lên gấp 4 lần hiện nay với việc tập trung vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt

Lê Trịnh
.
.
.